Trong khi đợi Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, các đơn vị lữ hành, hàng không, doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ du lịch trong nước cần sớm có ‘oxy nội địa’ để ‘thở.’
Doanh nghiệp du lịch Việt cần ngay ‘‘ống thở’’ nội địa. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Trải qua 4 lần đại dịch bùng phát, đến giờ rất nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, đơn vị lữ hành… đã phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Những “cá lớn” dẫu từng nếm trải nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh trong quá khứ như SARS hay cúm gia cầm H5N1, thì cũng chẳng thể ngờ ác mộng COVID lại khủng khiếp đến thế.
Sống sót được đến giờ, họ đã phải nỗ lực và kiên cường bám trụ nhưng cũng phải thừa nhận đã cạn kiệt nguồn lực, cả tài chính lẫn nhân sự. Cái họ cần ngay lúc này là chiếc “ống thở” nội địa, cần các chương trình, kế hoạch hành động của cơ quan quản lý, ngành, địa phương không chỉ nằm trên bàn giấy…
Cần gấp “ống thở” nội địa
Các chuyên gia cho rằng hãy học cách sống chung an toàn với COVID-19 như cách mà Singapore đang làm, coi đây như cúm mùa hàng năm. Chính vì thế, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group (Tập đoàn chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp), ông Phạm Hà, trong khi đợi Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế – những thị trường cần nhiều thời gian phục hồi đến Phú Quốc, các đơn vị lữ hành, hàng không, doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ du lịch trong nước cần ngay và luôn “oxy nội địa” để có thể “thở.”
CEO VietSense Travel, ông Nguyễn Văn Tài nhận định hiện nay các điểm nóng dịch bệnh đều nằm ở các thành phố lớn có khu công nghiệp chứ không phải ở các tỉnh, thành phố giàu tài nguyên du lịch. Điều này có nghĩa, đa số các điểm du lịch trong nước đang là những vùng xanh và hoàn toàn có thể đón khách.
Du khách Việt chuẩn bị hành trình khám phá hang Sơn Đoòng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Do đó, theo ông Tài, ngành dịch vụ lữ hành, khách sạn sẽ có khả năng phục hồi hoạt động ngay cả khi đại dịch COVID-19 vẫn còn, áp dụng cho những du khách đã tiêm vaccine và điểm đến là vùng xanh.
Suốt gần 2 năm chịu cảnh “chôn chân,” dù kinh tế có suy giảm, nhưng với nhiều loại hình du lịch cộng đồng giá rẻ và chiến dịch kích cầu từ nhiều điểm đến, các chuyên gia cho rằng người dân vẫn rất khao khát được du lịch trở lại từ cuối năm 2021 đến nửa đầu 2022.
“Tôi dự đoán chiến dịch du lịch Tết Nguyên Đán và du Xuân 2022 sẽ đánh dấu sự phục hồi của ngành kinh doanh du lịch lữ hành bất chấp COVID-19 vẫn còn,” CEO VietSense Travel kỳ vọng.
Đất nước sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, mọi ngành nghề sôi động trở lại và du lịch nội địa sẽ nở rộ với nhiều tuyến, điểm nghỉ dưỡng. Xu thế vẫn là du lịch an toàn, đi gần, theo gia đình, nhóm nhỏ, nơi vắng người, biển đảo và núi, đi xe riêng hoặc xe ít người.
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn mới du khách muốn xanh lối sống, mạnh thân tâm và lành tinh thần. Du thuyền ngủ đêm sẽ được nhiều du khách thông thái lựa chọn, vì vậy Hạ Long và Cát Bà sẽ phục hồi nhanh và sớm nhất cả nước.
Đề xuất của “người trong cuộc”
Mặc dù tỏ ra lạc quan với chặng đường phục hồi phía trước nhưng không thể phủ nhận “gánh lo” mà các doanh nghiệp Việt đang vác trên vai. Họ, sau bốn đợt dịch bùng phát, cố cầm cự được đến giờ đã là cả một kỳ tích.
Hậu COVID-19, khách du lịch có xu hướng trải nghiệm những điểm đến gần gũi thiên nhiên. (Ảnh: Mai Mai/VIetnam+)
“Chúng ta không thể có ngành du lịch cao cấp có chất lượng nếu thiếu nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, hiện chúng tôi rất khó khăn trong việc tiếp cận các số liệu nghiên cứu hành vi tiêu dùng và hướng dẫn từ cơ quan nhà nước như Sở du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch để biết khách hàng tìm kiếm gì, sản phẩm nào phù hợp cho đối tượng khách nào. Chủ yếu chúng tôi mạnh ai nấy làm, tự mày mò nghiên cứu là chính cùng đối tác nước ngoài,” ông Hà cho hay.
Đại diện các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo nhiều cơ chế chính sách thông thoáng cho một ngành kinh tế tổng hợp như du lịch; cần chính sách visa dễ dàng hơn cho khách quốc tế để họ đến rồi muốn quay lại; đặc biệt xúc tiến quảng bá hiệu quả trong và ngoài nước, tập trung định vị thương hiệu quốc gia, digial marketing…
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia (TAB) cho rằng đại dịch có thể sẽ kéo dài đến năm 2024-2025 và vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Nhưng thế giới đang thay đổi theo chiều hướng chung sống với dịch, nên chúng ta cũng phải thay đổi và thích nghi bằng những chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp có thể “sống khỏe.”
Về lâu dài, Việt Nam cần một chiến lược thu hút du lịch có bài bản, tầm nhìn và có nhạc trưởng, điều hành từ Trung ương tới địa phương hiệu quả hơn; cân bằng các thị trường, không tập trung quá vào một thị trường như những năm qua dẫn đến phát triển nóng, mất cân đối nguồn khách, không phát triển bền vững, quá tải điểm đến, ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn nhân lực, dịch vụ kém.
Bình minh trên dãy Hoàng Liên Sơn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
“Chỉ có thói quen cư xử và phục vụ với một nguồn khách là thiếu chuẩn mực. Du lịch Việt Nam cũng cần phát triển song hành cả hai thị trường quốc tế với nội địa có chất lượng và bền vững thay vì thời vụ kiểu chiến dịch kích cầu và giá rẻ,” ông Hà nhấn mạnh.
“Sức khỏe” du lịch Việt hậu giãn cách không chỉ phụ thuộc vào chính sách “ở trên” cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành cho chặng đường phục hồi mà còn phụ thuộc rất lớn vào “sức khỏe” doanh nghiệp và các nhà đầu tư chiến lược.
Để sớm tới “hồi thái lai” như ước mong của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương sẽ cần tính toán kỹ lưỡng, kế hoạch chi tiết, bài bản nhưng cũng phải đảm bảo đủ các giải pháp cho mọi tình huống có thể xảy ra.