Các địa phương, các điểm đến du lịch là những bên “chào hàng” sản phẩm. Các doanh nghiệp lữ hành chính là những khách hàng lớn nhất, căn cứ vào những sản phẩm bên bán đưa ra, các hãng lữ hành thiết kế tua cho mình. Việc liên kết vùng, miền là xu hướng phổ biến do thuận lợi về bố trí lịch trình. Tuy nhiên, các địa phương cùng một vùng, miền thường có sự tương đồng về thiên nhiên và con người. Các tỉnh Tây Bắc có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; văn hóa, ẩm thực của dân tộc thiểu số; các tỉnh miền trung có bờ biển đẹp; các tỉnh miền Tây Nam Bộ có đặc sản là du lịch miệt vườn, sông nước, đờn ca tài tử… Sự tương đồng này dẫn đến việc các tỉnh khi tham gia chương trình liên kết đều chào hàng những sản phẩm giống nhau. Thí dụ các tỉnh Tây Bắc cùng giới thiệu xòe Thái, chè sạch, thịt hun khói, ngắm cảnh núi non… Việc làm này dẫn đến các tỉnh thay vì liên kết thì lại cạnh tranh lẫn nhau. Ngược lại, những màn chào hàng này khiến các doanh nghiệp lữ hành khó xây dựng sản phẩm. Thực tế, hội nghị hay các đoàn khảo sát du lịch thì nhiều, nhưng rất ít những sản phẩm mới được triển khai. Một thực tế khác là mỗi bên tham gia chuỗi cung ứng du lịch (lữ hành, điểm đến, vận chuyển, lưu trú, bán sản phẩm lưu niệm…) đều lo giữ lợi nhuận của mình. Các hoạt động khuyến mại, hỗ trợ chỉ mang tính thời vụ. Hầu như chưa hình thành được các liên kết mà các đơn vị tham gia chuỗi có thể “bù trừ” lợi nhuận cho nhau như ở một số quốc gia khác. Trách nhiệm sau khi ký các văn bản liên kết cũng là một vấn đề. Các địa phương thường mỗi năm tổ chức họp để tổng kết một lần. Nếu thực hiện không tốt thì cũng chỉ rút kinh nghiệm, chứ không có ràng buộc trách nhiệm.
Rõ ràng, thay vì hô hào chung chung, rồi các địa phương, các doanh nghiệp phải tự mày mò xây dựng sản phẩm du lịch liên kết, Tổng cục Du lịch cần tăng cường vai trò của mình trong điều phối, hỗ trợ các vùng, các địa phương trong thực hiện liên kết. Bản thân những địa phương trong cùng một vùng, cần tham vấn các chuyên gia, các hãng lữ hành; hoặc tổ chức một bộ phận thường trực trong thực hiện liên kết để tập trung xây dựng điểm đến, sản phẩm đặc thù, tránh tình trạng đưa ra sản phẩm na ná nhau, dẫn đến cạnh tranh không đáng có. Hiện nay, một số địa phương có nguồn lực hạn hẹp còn gặp khó khăn trong công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm để tham gia chuỗi liên kết. Ðây là lý do một số nhà quản lý đề xuất xây dựng một quỹ xúc tiến liên kết du lịch, để phân phối nguồn lực hỗ trợ các địa phương.
Với việc Việt Nam đang khống chế tốt dịch bệnh, các nước trên thế giới đã tạo ra được nhiều loại vắc-xin chống dịch Covid-19, các chuyên gia dự báo ngành du lịch nước ta sẽ từng bước hồi phục trong năm 2021. Liên kết là yếu tố sống còn để thu hút khách du lịch, “kéo” khách quốc tế đến Việt Nam khi điều kiện cho phép. Bởi vậy, cần triển khai sớm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đưa hoạt động liên kết đạt hiệu quả thực chất, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.