Căng cơ, bong gân
Đây là chấn thương dễ gặp nhất. Để ngăn ngừa, bạn nên tập luyện, khởi động kỹ, đồng thời thực hiện giãn cơ sau mỗi chặng nghỉ. Nếu bị đau, sưng tấy, hãy dùng thuốc giảm đau, ngâm vết thương vào nước lạnh hay quấn băng thun và massage nhẹ nhàng để giảm các triệu chứng.
Gãy xương, sai khớp
Gãy xương, sai khớp thường xảy ra ở vai, chân, mắt cá chân hoặc cổ tay. Để phòng ngừa, hãy dùng gậy chống và thận trọng khi leo trèo. Cách sơ cứu khi bị gãy xương: Giữ nguyên vùng bị thương, đặt một miếng xốp phía dưới làm đệm, sau đó, buộc xung quanh bằng các dải vải để cố định và đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay.
Dị ứng
Để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng, hãy mang theo dung dịch sát trùng, kem chống ngứa hoặc thuốc chống dị ứng. Cần học cách xác định các loài cây độc để tránh tiếp xúc; mặc quần, áo dài, đeo găng… Nếu bị dị ứng, hãy rửa sạch vùng da bị mẩn ngứa, hạn chế gãi để tránh nhiễm trùng hoặc lây lan sang các khu vực khác.
Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa thường bắt nguồn từ cách bảo quản thực phẩm và thói quen rửa tay. Để phòng tránh, hãy mang theo thuốc tiêu chảy, cặp nhiệt độ, xà phòng và nước sát khuẩn. Trước khi ăn, hãy rửa tay thật kỹ. Khi bị đau bụng, cần uống nhiều nước và chất điện giải. Nếu đau bụng, buồn nôn kéo dài trên 12 giờ hoặc đau quặn thắt, bụng căng cứng kèm theo sốt cao (trên 39oC)… thì cần được cấp cứu ngay.
Bỏng
Có hai nguy cơ dễ xảy ra trong chuyến đi là bỏng lạnh và bỏng nóng. Để tránh bị bỏng do lửa, nước sôi… bạn phải cẩn thận khi đun nấu. Nếu bị bỏng, có thể sơ cứu bằng cách xối nước lạnh trong 10 phút, sau đó làm sạch, bôi thuốc mỡ kháng sinh và quấn lại bằng gạc.
Bỏng lạnh thường xảy ra ở vùng lạnh giá. Hãy cẩn trọng khi da bạn bắt đầu trắng toát, ngứa ran, căng cứng, tê và lõm sâu khi ấn vào. Đó là dấu hiệu của chứng bỏng lạnh. Để hạn chế, hãy luôn giữ cơ thể ấm và khô, tránh mặc quần áo, đi giày quá bó; sưởi ấm để làm tan giá. Nếu nặng hơn, hãy ngâm mình trong nước có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể cho đến khi hết cảm giác tê, sau đó băng phần bị bỏng lại và tiếp tục mặc ấm.