Gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch vừa mang đến cho du khách những trải nghiệm, khám phá văn hóa thú vị, vừa mở ra nhiều cơ hội để gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa.
Các thiết chế văn hóa đặc biệt
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 bảo tàng gồm Bảo tàng Đắk Lắk, 2 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Thế giới cà phê và Bảo tàng & Homestay Ama H’Mai. Mỗi bảo tàng là một thiết chế văn hóa đặc biệt, có nét riêng biệt, lưu giữ và phát huy giá trị của hàng nghìn hiện vật.
Bảo tàng Đắk Lắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng I trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.
Nơi đây hiện đang lưu giữ gần 13.000 hiện vật, trong đó có hơn 2.000 hiện vật văn hóa dân tộc, 4.000 phim, ảnh tư liệu và trên 6.000 hiện vật khảo cổ, lịch sử; trong đó có những hiện vật đặc biệt quý hiếm như bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” gồm 250 hiện vật mang giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, trở thành sưu tập hiện vật đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được công nhận là bảo vật quốc gia.
Với ba không gian trưng bày thường xuyên: Văn hóa dân tộc, Đa dạng sinh học và Lịch sử; cùng với các trưng bày chuyên đề đặc sắc, nơi đây là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, phản ánh sinh động và đầy đủ lịch sử vùng đất, văn hóa, con người trên mảnh đất cao nguyên.
Các du khách nhỏ tuổi tham quan, tìm hiểu về dụng cụ săn voi tại Bảo tàng Đắk Lắk. |
Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên chỉnh trang, nâng cấp các không gian trưng bày, sưu tầm, bổ sung hiện vật để làm mới mình, tạo sức hấp dẫn với công chúng. Nhiều du khách đến đây đều bày tỏ sự thích thú khi vừa được tìm hiểu về thiên nhiên và con người Đắk Lắk, vừa được tham quan công trình kiến trúc độc đáo cùng nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị trong không gian thoáng mát.
Bảo tàng Thế giới cà phê cũng là một điểm đến hấp dẫn ở Đắk Lắk. Tới đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu và khám phá về lịch sử, văn hóa cà phê của thế giới với những hiện vật có niên đại cổ xưa; đặc biệt là những vật dụng, máy móc vận hành hoàn toàn cơ học, dùng trong các công đoạn chế biến cà phê như máy phân loại cà phê, xay cà phê, rang cà phê… từ thời chưa có điện. Hay những bộ sưu tập các loại bình, ấm, dụng cụ pha chế và đựng cà phê phong phú bằng nhiều chất liệu như kim loại, gốm, sứ, thủy tinh, được chế tác tinh xảo như những tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó là công trình kiến trúc độc đáo gồm 5 khối nhà uốn cong đầy ngẫu hứng kết nối với nhau, lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà dài của người Êđê và mái nhà rông Tây Nguyên…
Bảo tàng & Homestay Ama H’Mai có diện tích trưng bày khiêm tốn, chỉ khoảng 250 m2 nhưng hiện vật tương đối đa dạng, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú của các tộc người bản địa Tây Nguyên. Đó gần như là hiện vật gốc và lâu đời như những chiếc gùi, những bộ chiêng của người M’nông, Êđê, Bana, J’rai; những chiếc ché cổ với nhiều chủng loại, kích thước, hình dáng khác nhau, mỗi loại mang một vẻ đẹp rất riêng gắn với những câu chuyện ly kỳ trong quá khứ…
Ông Mẫn Phong Sơn (chủ nhân Bảo tàng & Homestay Ama H’Mai) tâm sự: “Với sự đam mê, yêu quý, trân trọng văn hóa các tộc người Tây Nguyên, tôi đã ấp ủ có một không gian riêng để trưng bày những hiện vật mình đang lưu giữ, qua đó cùng chia sẻ đến với tất cả bạn bè gần xa”. Nằm trong buôn Kmrơng Prong B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, Bảo tàng & Homestay Ama H’Mai được kỳ vọng là một điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Không chỉ là nơi trưng bày
Ngoài hoạt động trưng bày hiện vật giới thiệu phục vụ khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu, các bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, vừa hấp dẫn du khách lại góp phần bảo tồn di sản văn hóa.
Bảo tàng là nơi lưu giữ những di sản văn hóa giá trị, nếu được đầu tư, khai thác một cách khoa học và phù hợp thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, đa dạng, hấp dẫn du khách. |
Bảo tàng Thế giới cà phê thường tổ chức các triển lãm chuyên đề như “Cà phê & sự quay về nguồn cội”, các sự kiện văn hóa như Hội thi ủ rượu cần Êđê, giao lưu văn hóa thổ cẩm Êđê và Batik Indonesia, nghệ thuật xếp giấy Origami. Bảo tàng & Homestay Ama H’Mai đưa du khách trải nghiệm cuộc sống giữa buôn làng, thưởng thức những món ăn truyền thống, rang cà phê bằng củi…
Du khách tìm hiểu, thưởng thức cà phê tại Bảo tàng Thế giới cà phê. |
Với Bảo tàng Đắk Lắk, bên cạnh việc đổi mới trưng bày theo từng chủ điểm, ứng dụng khoa học công nghệ để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày còn tăng cường các hoạt động, các chương trình trải nghiệm, giáo dục di sản văn hóa theo cách tiếp cận mới.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 7 chương trình giáo dục cho học sinh trên địa bàn tỉnh như “Giờ học lịch sử”, “Giờ học di sản văn hóa” thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Vào dịp lễ, tết, nơi đây diễn ra những hoạt động thú vị như: trải nghiệm nghề làm gốm của người M’nông, tìm hiểu về điệu hát then của người Tày Nùng…
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk thông tin: “Chúng tôi chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa hiện vật, tạo sự hấp dẫn từ cách trưng bày đến thuyết minh để tăng sức hút với công chúng”.
Những hoạt động này đã góp phần giúp du khách biết Đắk Lắk không chỉ là điểm đến du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh mà còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử hấp dẫn. Năm 2023, Bảo tàng Thế giới cà phê đã đón vị khách thứ 5 triệu đến tham quan. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk đón trên 7.210 đoàn khách với trên 77.500 lượt khách…