Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước. Với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc, cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột theo định kỳ đã được Chính phủ đồng ý dừng tổ chức 2 lần vào năm 2021, năm 2022 và chuyển sang tổ chức vào năm 2023 (tại Công văn số 4679/VPCP-NN, ngày 13/7/2021). Kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, góp phần phục hồi kinh tế – xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Trải qua 07 kỳ tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột không có chủ đề chung, mỗi kỳ có một chủ đề khác nhau. Do đó, nhằm tạo nên một slogan quảng bá rộng rãi, để du khách và Nhân dân nhớ đến Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất từ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 lựa chọn 01 chủ đề chung duy nhất cho Lễ hội là “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”. Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội vẫn có chủ đề riêng để định hướng nội dung và hình thức thực hiện.
Ảnh minh họa.
Những nội dung làm nổi bật chủ đề, những nét mới của Lễ hội lần thứ 8 so với 7 lần trước đây là hình thức thể hiện của Lễ hội theo xu hướng hội nhập quốc tế, hiện đại.
Việc tổ chức Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; Tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, của Việt Nam nói chung.
Lễ hội cũng là dịp để tỉnh giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động lễ hội, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk.