Theo Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), lượng khách quốc tế trong năm 2020 đã giảm 1 tỷ lượt, tương đương 74%, so với năm 2019. Mức sụt giảm kỷ lục này gây thiệt hại tổng thể ước tính gấp 11 lần so với năm 2009, thời điểm thế giới gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế cũng khiến 100 đến 120 triệu nhân lực ngành Du lịch đối diện nguy cơ mất việc làm.
UNWTO đánh giá, ngành Du lịch toàn cầu đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất được ghi nhận vào năm 2020 do nhu cầu giảm chưa từng có trong tiền lệ và ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh.
Theo khu vực, châu Âu ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất trong năm 2020, với lượng khách quốc tế giảm 500 triệu lượt, tương đương 70%, so với năm trước đó. Lượng khách quốc tế tại châu Á và Thái Bình Dương sụt giảm 300 triệu lượt, tương đương mức giảm 84%. Trung Đông và châu Phi cũng ghi nhận mức giảm 75%, trong khi tỷ lệ này ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ là 69%.
Kết quả một cuộc khảo sát do UNWTO thực hiện đối với năm 2021 cho thấy, 45% số người được hỏi nhận định du lịch quốc tế sẽ khởi sắc hơn, trong khi 30% dự đoán tình hình sẽ xấu đi. 25% ý kiến còn lại cho rằng du lịch quốc tế sẽ duy trì như năm 2020.
Cũng theo kết quả khảo sát, 43% ý kiến nhận định du lịch quốc tế sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, trong khi số ý kiến cho rằng điều này sẽ xảy ra vào năm 2024 hoặc muộn hơn chiếm 41%.
UNWTO kỳ vọng, việc các quốc gia triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ giúp phục hồi tâm lý tiêu dùng và nới lỏng các biện pháp hạn chế, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động đi lại trong năm 2021 phục hồi dù với tốc độ chậm.
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết, những nỗ lực về giảm thiểu rủi ro du lịch trong thời kỳ dịch bệnh, bao gồm xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng, là những nền tảng thiết yếu để thúc đẩy du lịch an toàn và chuẩn bị cho sự phục hồi khi điều kiện cho phép.