Do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành công nghiệp du lịch Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đà phục hồi hiện tại sẽ mang lại lợi ích cho cả phân khúc du lịch, khách sạn. Lượng khách du lịch và tỷ lệ lấp đầy khách sạn dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2022.
Lượng khách du lịch và tỷ lệ lấp đầy khách sạn dự kiến sẽ tăng
Việc nới lỏng các hạn chế đi lại sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch và khách sạn ở Đông Nam Á, theo báo cáo của công ty nghiên cứu và tư vấn Redseer.
Báo cáo này ghi rõ: “Mặc dù tốc độ phục hồi có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng xu hướng tăng trưởng có định hướng sẽ giúp ngành này đạt quy mô thị trường hơn 100 tỷ USD vào năm 2027”.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành công nghiệp du lịch Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng nề. Và đà phục hồi hiện tại sẽ mang lại lợi ích cho cả phân khúc du lịch và khách sạn. Lượng khách du lịch và tỷ lệ lấp đầy khách sạn dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2022.
Có thể nói, Đông Nam Á được đánh giá là có vị trí thích hợp cho du lịch sinh thái do có nhiều điểm đến thiên nhiên. Hơn nữa, chính phủ nhiều nước cũng đã tận dụng thời kỳ đại dịch Covid-19 để đưa một số địa điểm thành điểm đến du lịch bền vững.
Khu vực này dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ do nhu cầu bị dồn nén trong hai năm qua. Với việc nới lỏng các hạn chế, hợp lý hóa các quy định đi lại và tăng cường hỗ trợ từ chính phủ, ngành du lịch khu vực được dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022.
Các nước như Indonesia và Thái Lan sẵn sàng cho sự thay đổi mạnh mẽ khi hai quốc gia này đang được nhiều du khách yêu thích nhất. Trong đó, Bali đứng ở vị trí số một theo số lượng tìm kiếm của các du khách quốc tế và nội địa.
Cùng với đó, Việt Nam, Singapore, Philippines cũng đã nới lỏng hầu hết các hạn chế đi lại và điều này giúp việc di chuyển giữa các nước này gần như thông suốt và đang quay lại giống với thời kì trước đại dịch Covid-19. Với việc tất cả các quốc gia trong khu vực nới lỏng hơn nữa các chính sách đi lại, Redseer kỳ vọng lượng khách du lịch sẽ tăng trong những tháng tới.
Đồng thời, khi lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á từ Trung Quốc tiếp tục vắng bóng do các chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt tại nước này, một phần sự mất mát này sẽ được bù đắp bởi lượng du khách gia tăng từ Liên minh châu Âu.
Với số tiền đầu tư cho các công ty du lịch, lữ hành cũng đang tăng lên, đạt mức cao hơn trước đại dịch Covid-19. Hoạt động đầu tư mạnh mẽ này sẽ có tác động tích cực đến ngành du lịch, lữ hành trong những năm tới bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho khách du lịch cũng như giúp việc du lịch thuận tiện hơn.
Lượt tìm kiếm du lịch Việt Nam tăng đột biến trên thế giới
Du lịch Việt Nam bước vào mùa đón khách chính đã nhận được sự quan tâm của du khách quốc tế sau hơn 1 tháng mở cửa du lịch quốc tế.
Với nhu cầu du lịch dồn nén trong thời kỳ dịch bệnh cùng với việc Việt Nam đang dần phục hồi kinh tế hậu Covid-19 sẽ là động lực để ngành du lịch trong nước tăng trưởng trong 2022. Ngoài nhu cầu du lịch nội địa có dấu hiệu bứt phá, khả năng khách quốc tế trở lại Việt Nam cũng được dự báo “tăng theo cấp số nhân”.
Theo dữ liệu từ Google cho thấy lượng tìm kiếm về chuyến bay và chỗ ở tăng mạnh từ 25-50% kể từ sau ngày Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế 15/3. Đây là mức tăng trưởng cao thứ 2 thế giới, sau Qatar (hơn 75%).
Lượng tìm kiếm trên Google về du lịch đầu tháng 4, chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam đang tăng mạnh. Các từ khóa liên quan tới du lịch Việt Nam như “Vietnam tourist”, “Vietnam tourism”, “Vietnam trip”, “Vietnam travel”… trên Google Trend đều tăng ở mức 100%, 350% hoặc mức đột biến.
Nhiều nước trên thế giới quan tâm tới du lịch Việt Nam, trong đó có một số nước có lượt tìm kiếm cao như Singapore, Philippines, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Vương quốc Anh, Canada… Ngoài việc tìm hiểu chung về du lịch Việt Nam, các lượt tìm kiếm còn nhắm cụ thể hơn đến vấn đề về visa, bảo hiểm, du lịch trọn gói với những từ khoá “tourist visa Vietnam 2022”, “travel insurance Vietnam trip”, “Vietnam tour package”…
Những du khách tiềm năng còn tra cứu kỹ hơn về “Saigon tourist Vietnam”, “Ho chi minh tourist”, “Trang An”, “Ha Long Vinpearl”, “Nha Trang”… Các chuyến bay, giá vé, thời gian bay đến những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng được tìm kiếm nhiều trên Google thời gian qua.
Những từ khoá liên quan đến du lịch Việt Nam đều tăng mạnh từ đầu tháng 4, thời gian khởi động lại các hoạt động của ngành này. Đây hứa hẹn là tín hiệu tốt báo hiệu lượng du khách quốc tế đổ về Việt Nam trong nửa cuối năm nay tăng mạnh. Các chuyên gia và dư luận thế giới cũng đánh giá rất cao các kết quả phòng chống dịch và đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn.
Vaccine được khẳng định là vũ khí chiến lược và cũng là thành công của Việt Nam với tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, tỷ lệ mũi 2 đạt 99,8%, tỷ lệ mũi 3 đạt 49%. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình.
Để thúc đẩy du lịch, Chính phủ và các địa phương tại Việt Nam đã và đang nỗ lực tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí an toàn, có hướng dẫn về quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là người đi du lịch bảo đảm dịch vụ du lịch thân thiện, an toàn, cũng như rà soát các chính sách visa, du lịch để phục hồi và phát triển mạnh lĩnh vực này.
Đại hội thể thao Đông Nam Á 2021 – SEA Games 31 diễn ra tại Hà Nội và những tỉnh thành lân cận vào giữa tháng 5 cũng được coi là một cơ hội tốt cho du lịch các địa phương và cả nước. Việt Nam sẽ đón hơn 7.000 vận động viên từ 11 quốc gia Đông Nam Á tới tranh tài ở 526 nội dung của 40 môn thể thao.
SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12-23/5 dự kiến giúp ngành du lịch Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác đón thêm nhiều cổ động viên, khách du lịch từ khu vực và toàn thế giới.