Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chi hội Lữ hành thuộc Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố, các đối tác của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.
Diễn đàn “Lữ hành Việt Nam 2021 – Giải pháp khôi phục và phát triển” được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp khả thi, thiết thực khôi phục hoạt động lữ hành, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của các dịch vụ du lịch, đưa Du lịch Việt Nam nhanh chóng trở lại vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam; góp phần chuyển đổi Du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế số, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp lữ hành chuyển đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo phương châm “vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển”.
Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận: “Lữ hành Việt Nam – Giải pháp 2021 và Lữ hành Việt Nam hướng đến tương lai”.
Ông Vũ Thế Bình phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: HL) |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Với sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2016 – 2019 Du lịch Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế quốc dân, đã từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Du lịch Việt Nam đã trở thành một hiện tượng của Du lịch thế giới với tốc độ tăng trưởng cao và hàng chục danh hiệu cao quý.
Tuy nhiên sự xuất hiện của Đại dịch COVID-19 với sự tàn phá chưa từng có đã đẩy lùi ngành Du lịch trở lại hàng chục năm. Thiệt hại của COVID-19 sau một năm chưa thể tính hết được. Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để khôi phục. Ngay khi dịch vừa được khống chế, cuối tháng 2/2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình kích cầu du lịch, các đoàn khảo sát của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đã lên đường đưa khách đi du lịch ở các điểm an toàn.Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành luôn tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành Du lịch.
COVID-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế. Các quy định về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp,… đã làm cho dịch vụ online trở thành một phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây và internet vạn vật, thực tế ảo, Block chain, Trí tuệ nhân tạo khi ứng dụng vào các ngành đã làm thay đổi cơ bản hoạt động của ngành đó. Là ngành nhạy cảm với xã hội, Du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh. Nhưng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động du lịch cụ thể như thế nào là việc cần được trao đổi.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: HL) |
Tổ chức Diễn đàn lữ hành toàn quốc lần này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình mong muốn được nghe ý kiến từ các nhà Lãnh đạo ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành về các nội dung nêu trên để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch COVID-19, triển khai khôi phục và phát triển Du lịch trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội nhưng sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép. Các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam phấn đấu sớm đưa du lịch trở lại nhịp độ tăng trưởng của thời kỳ hoàng kim 2016 – 2019 vừa qua.
Tại Diễn đàn, ông Phùng Quang Thắng- Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, hiện tại tình hình dịch trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, chưa thể xác định được thời điểm nới lỏng hoàn toàn việc di chuyển trong khu vực và trên thế giới, do vậy, du lịch quốc tế vẫn là bài toán mở cho ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành.
Theo ông Thắng, trong bối cảnh năm 2020 đa số các doanh nghiệp lữ hành giảm qui mô, hoạt động một phần, tạm thời dừng hoạt động hoặc đóng cửa và đang có xu hướng nối sang năm 2021. Phương châm “Linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” đã và đang được áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực và tìm giải pháp.
Ông Thắng nhận định du lịch nội địa tiếp tục là thị trường du lịch chủ đạo trong hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành năm 2021, bên cạnh đó cần sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc nới lỏng đi lại trong khu vực và thế giới, khôi phục du lịch quốc tế trở lại. Vì vậy, doanh nghiệp lữ hành cần quan tâm đến việc phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số trong lữ hành.
Trong bài phát biểu về việc nâng tầm du lịch nội địa, đưa du lịch nội địa thành bộ phận chủ lục của du lịch Việt Nam, ông Lại Minh Duy – TGĐ Công ty Du lịch TST cho rằng: “Chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta giảm giá thật sâu kèm theo giảm chất lượng sản phẩm mà nên bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng mà trong giai đoạn khi chưa có COVID-19 chúng ta chưa làm được để thu hút khách”.
Các doanh nghiệp lữ hành giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn. (Ảnh: HL) |
Chia sẻ về tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả của chương trình kích cầu du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, TGĐ Flamingo Redtours khẳng định, các chương trình kích cầy du lịch nên kéo dài hơn có thể là 1 năm hoặc 2 năm với các giai đoạn: Mở đầu, kích thích khi thấp điểm, duy trì khi thị trường ổn định, làm mới và bổ sung ưu đãi khi bão hòa hay quay về giai đoạn thấp điểm nhằm duy trì tính ổn định cho thị trường và điểm đến. Không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần mở rộng quy mô gồm sự liên kết của nhiều tỉnh, thành phố, tất cả các vùng trên cả nước, tùy từng thời điểm, tùy từng dòng sản phẩm đều có thể kích cầu. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, để thúc đẩy phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành “chắc chắn phải tái cấu trúc, tái cơ cấu lại chính mình”. Muốn làm được điều đó, phải cố gắng nhuần nhuyễn, hiểu thị trường một cách căn cơ và nhất là phải hiểu được khách hàng cần gì, muốn gì? Phải bắt đầu từ những động tác tưởng chừng như nhỏ nhất, giản đơn nhất… để từng bước đạt được mục tiêu đề ra.
Ký kết Hợp tác du lịch để thúc đẩy, kích cầu ngành du lịch phát triển. (Ảnh: HL) |
Cùng với đó, phải tìm hiểu kích cầu, kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa, gắn với sự tính toán kỹ lưỡng theo từng phân khúc khách hàng, với từng loại hình riêng để đưa ra sản phẩm phù hợp. Đồng thời các doanh nghiệp lữ hành cùng các đơn vị liên kết cần tạo được sản phẩm hấp dẫn và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó gửi đến khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất chứ không hẳn phải chạy theo số lượng.
Tiếp đến các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao nguồn nhân lực. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch đang đứng trước thực trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Do đó phải tập trung vào đào tạo cơ cấu nhân lực, củng cố xây dựng lực lượng để khi hết dịch bệnh chúng ta có nguồn lực để triển khai, bắt tay ngay vào phát triển. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần phải ứng dụng số hóa để tạo ra các liên kết, thích ứng dịch vụ phù hợp, thông minh, hợp với xu hướng phát triển hiện đại của thời đại công nghệ 4.0. “Nếu làm được như vậy, du lịch Việt Nam sẽ khôi phục, đi bằng chính đôi chân của mình và chắc chắn sẽ phát triển”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Hiệp hội du lịch Việt Nam- UBND huyện Cát Hải, Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh- Hiệp hội du lịch Đà Nẵng- Hiệp hội du lịch Hải Phòng, Liên minh kích cầu du lịch toàn quốc- Flamingo Holdings, CLB Du lịch MICE Việt Nam- Flamingo Holdings đã tổ chức ký kết Hợp tác du lịch để thúc đẩy, kích cầu ngành du lịch phát triển./.