Thu hút đầu tư, quảng bá mạnh mẽ để “chắp cánh” cho du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng) được xem là “bàn đạp” giúp ngành kinh tế xanh bứt tốc trong thời gian tới.
MICE là loại hình du lịch đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc khắt khe các điểm đến và sản phẩm |
Hậu Covid-19, du lịch MICE được xem là “mảnh đất màu mỡ” của du lịch Việt Nam khi còn rất nhiều dư địa phát triển. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung ở khu vực châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, khi đại dịch được kiểm soát, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, xúc tiến đầu tư, tổ chức hội nghị kết hợp tham quan, khám phá phong cảnh, trải nghiệm văn hóa đặc trưng… sau hai năm bị kìm nén. “Tại Flamingo Redtours, hiện 90% doanh thu đến từ các đoàn MICE. Tiềm năng, dư địa của du lịch MICE còn rất lớn”, CEO Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết.
Khẳng định hậu Covid-19 là thời của du lịch MICE, song ông Hoan cho biết, đây là loại hình đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm một cách khắt khe. Việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm này tại Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức.
“Việt Nam hiện có nhiều khách sạn 5 sao, song số phòng, công suất phòng họp còn ít; không nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô vài ngàn người. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quảng bá loại hình du lịch này ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ”, ông Hoan phân tích.
Đồng tình, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam cho biết, các khách hàng lớn đã chủ động liên hệ lại và gửi sẵn những kế hoạch tổ chức đã được lên chi tiết. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân sự, dù các công ty liên tục tuyển dụng mới. “Chúng tôi phải trả thu nhập cao để thu hút nhân sự du lịch đã chuyển ngành trở lại làm việc và đào tạo cấp tốc cho sinh viên các trường du lịch”, ông Đức Anh chia sẻ.
Cùng với vấn đề nhân sự, việc thiếu nguồn vốn lưu động cũng khiến các doanh nghiệp chuyên dòng MICE “đau đầu” vì các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển đều yêu cầu bảo lãnh tạm ứng nguồn tiền. Chưa hết, trong mùa cao điểm, khi các đơn vị cung ứng dịch vụ chưa mở lại hoàn toàn, thì dù có khách, có nguồn tiền, song vẫn không thể đáp ứng được dịch vụ.
Bởi thế, Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam cho rằng, muốn du lịch MICE thực sự trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam, các địa phương, từng doanh nghiệp, từng điểm đến cần tiếp tục đầu tư hạ tầng xứng tầm, triển khai các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, Chiến lược Phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định, thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam.
Đầu tư bài bản, chuyên nghiệp
Đón đầu xu hướng phát triển du lịch MICE, nhiều địa phương đã xác định đúng thế mạnh, dư địa phát triển, có chiến lược đầu tư bài bản về hạ tầng, nâng cấp dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp để thu hút du khách.
Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc thu hút khách MICE với nhiều chính sách hấp dẫn. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng “khoe”, ngày 1/6, Đà thành đón đoàn 1.000 khách MICE tham dự sự kiện “Hội ngộ đỉnh cao BNI 2022”, nâng số khách MICE từ đầu năm 2022 đến nay lên trên 5.000 khách. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục kết nối, quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện đẳng cấp khu vực và quốc tế để xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến tổ chức sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á, trong đó tập trung phát triển du lịch MICE.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, bên cạnh du lịch mua sắm, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, du lịch MICE cũng được TP.HCM chú trọng phát triển mạnh trong tương lai. Tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành Ký kết liên tịch triển khai Chương trình Du lịch MICE TP.HCM.
Theo thỏa thuận, giai đoạn 2022-2025, các đơn vị thống nhất phối hợp thực hiện nhiều nội dung cụ thể, như xây dựng, ban hành chính sách du lịch MICE TP.HCM; xây dựng các chương trình tour tham quan thành phố phù hợp với loại hình du lịch MICE; có những chương trình đón tiếp, chào mừng các thành viên đoàn du lịch MICE, hỗ trợ giảm giá vé các điểm tham quan, hỗ trợ truyền thông…
Không muốn bỏ lỡ cơ hội, Bình Thuận cũng định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE, thực hiện xã hội hóa xây dựng Trung tâm hội nghị – triển lãm tại TP. Phan Thiết; nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất; đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm hội nghị, hội thảo tại các khu du lịch quy mô lớn; nâng cao trình độ và kỹ năng của nhân viên để đảm bảo chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, nhu cầu và tiềm năng của du lịch MICE rất lớn, nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ. Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau, với chính quyền địa phương để phát huy thế mạnh từ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến phục vụ lượng khách MICE quy mô lớn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao. “Chắp cánh” cho du lịch MICE cũng chính là cách giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam thăng hạng trên đấu trường quốc tế.