• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Chờ du lịch bứt phá (*): Triển khai hàng loạt nhiệm vụ

    Thứ Hai, 14-02-2022 / 10:48:56 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    299 Lượt xem

    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã lên kế hoạch mở cửa hoàn toàn đón du khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả cửa khẩu từ ngày 31-3 tới

    .Phóng viên: Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngành du lịch đã phục vụ trên 6,1 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 25.000 tỉ đồng. Ông đánh giá thế nào về con số ấn tượng này, thưa Bộ trưởng?
    Chờ du lịch bứt phá (*): Triển khai hàng loạt nhiệm vụ - Ảnh 1.

    – Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch NGUYỄN VĂN HÙNG: Chúng tôi rất vui vì hoạt động du lịch dịp nghỉ Tết đã sôi động trở lại tại hầu khắp các tỉnh, thành, khách du lịch quốc tế tiếp tục đến Việt Nam theo chương trình thí điểm. Theo báo cáo của các địa phương, lượng khách du lịch nội địa gia tăng tại nhiều nơi, công suất sử dụng phòng của cơ sở lưu trú du lịch tại một số tỉnh, thành đạt tới 80%, có thể coi là một tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong năm 2022.

    Có được kết quả đáng khích lệ này, trước hết là nhờ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, được các địa phương và nhân dân đồng lòng ủng hộ, thực hiện nghiêm túc, công tác đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin được thực hiện quyết liệt. Hoạt động phục hồi du lịch được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) du lịch đã quyết tâm hành động và thích ứng linh hoạt. Một điều nữa cũng rất quan trọng là nhu cầu du lịch của nhân dân dồn nén ở mức cao và người dân tin tưởng vào khả năng phòng chống dịch và thực hiện tốt quy định 5K.

    Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế là sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ thống DN du lịch chưa kịp củng cố do nhiều DN lữ hành đã chuyển ngành. Nguồn nhân lực cũng chưa kịp phục hồi do nhiều lao động đã bỏ nghề, một phần cơ sở lưu trú du lịch chưa kịp khôi phục 100% công suất do thiếu lao động. Lượng lớn khách du lịch tới các điểm đến gần theo phương thức tự đi, không đặt trước… dẫn tới tình trạng ách tắc giao thông, tăng giá dịch vụ, thiếu phòng nghỉ ở một số nơi. Những hạn chế này cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

    .Có phải đây là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong năm 2022, thưa Bộ trưởng?

    – Nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong năm 2022 là triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức công bố, thực hiện sau khi được phê duyệt. Đồng thời, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ. Chúng tôi cũng thúc đẩy triển khai Kế hoạch chuyển đổi số du lịch giai đoạn 2022 – 2025. Bên cạnh đó là chiến dịch xúc tiến, quảng bá Việt Nam “Live fully in Vietnam”, chương trình du lịch nội địa “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn” và tổ chức các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022. Tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu của du khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành trong năm tới.

    .Đến thời điểm này đã có hơn 9.000 du khách đến Việt Nam theo chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Các du khách đã phản hồi tích cực với các loại hình du lịch tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam cũng như hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp. Vậy đến thời điểm nào, chúng ta mới mở cửa hoàn toàn?

    – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã đề xuất giai đoạn từ nay đến ngày 30-3-2022 tiếp tục chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 2. Giai đoạn này sẽ tập trung mở rộng đối tượng đón, phạm vi đón khách, các địa phương đã tiêm phủ vắc-xin mũi 3, “vùng xanh” cho phép được đón khách. Linh hoạt trong yêu cầu xét nghiệm, có thể xét nghiệm tại điểm đến (cơ sở lưu trú). Đồng thời, mở rộng địa điểm du lịch và du khách có thể đến các khu vực cho phép, không phân biệt khách nội địa với khách quốc tế, không hạn chế thời gian du lịch.

    Chờ du lịch bứt phá (*): Triển khai hàng loạt nhiệm vụ - Ảnh 2.

    Du khách đổ lên Đà Lạt (Lâm Đồng) bằng các phương tiện cá nhân trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: ĐÌNH THI

    Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành để từ ngày 31-3-2022 trở đi sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.

    .Bộ trưởng có thể lý giải thêm về thời điểm 31-3 mà không phải sớm hơn như ý kiến của nhiều chuyên gia?

    – Chúng tôi cho rằng thời điểm này thích hợp để mở cửa hoàn toàn vì dự kiến đến cuối tháng 3-2022, Việt Nam hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mũi 3, bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Từ nay đến ngày 31-3 là khoảng thời gian đủ để điều chỉnh các quy định, hướng dẫn mới phù hợp, đồng thời các DN du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường để đón khách du lịch quốc tế. Tháng 5-2022 cũng là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc công bố sớm thời điểm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN.

    .Nhiều chuyên gia đã có ý kiến nên cởi mở hơn về chính sách visa cũng như những quy định về y tế khi mở cửa đón khách quốc tế, quan điểm của bộ về việc này như thế nào?

    – Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổng hợp ý kiến báo cáo Chính phủ. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp nhận và công bố sớm thời điểm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế để ngành du lịch triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, các DN có thời gian xây dựng sản phẩm, tiếp cận thị trường. Đồng thời, cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai đồng bộ các giải pháp.

    (*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-2

    Ông TRẦN HỮU THÙY GIANG, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế: Hiệu quả từ quảng bá

    Lượng khách đến Thừa Thiên – Huế trong dịp Tết vừa qua tăng trưởng trên 269% so với cùng kỳ, trong đó có 822 lượt khách quốc tế, không thực sự bất ngờ đối với ngành du lịch tỉnh. Bởi trước đó, chúng tôi đã có sự đầu tư vào quảng bá, hướng đến những du khách gần. Vì vậy, có khá nhiều khách từ các địa phương lân cận đến Huế bằng ôtô gia đình. Việc quảng bá hình ảnh Huế cũng được đổi mới, được các đối tác mạng xã hội hỗ trợ tối đa và có sự tham gia của các khách sạn nên hiệu quả cao hơn. Cách quảng bá cũng chủ động hơn, như hôm nay Đại nội Huế có chương trình gì? Diễn ra lúc mấy giờ?…

    Đây thực sự là con số khả quan cho cả kế hoạch phục hồi du lịch của tỉnh trong năm nay – năm lễ hội Festival Huế được tổ chức 4 mùa.

    Ông ĐẶNG ĐÔNG HÀ, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình: Duy trì kết nối với các thị trường

    Để phục hồi ngành du lịch, Quảng Bình duy trì được sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trọng điểm trong nước và quốc tế. Chủ động đón đầu xu hướng thị trường khách trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để sẵn sàng đón khách, thực hiện chiến dịch quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch.

    Năm mới này, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình sẽ nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm, dịch vụ du lịch để đón khách quốc tế khi Chính phủ cho phép mở cửa thị trường, trong đó tập trung vào thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu…

    Ông NGUYỄN VĂN KHOA, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận: Xin đón khách quốc tế ngay từ tháng 2

    Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận đang xin đón khách quốc tế ngay từ tháng 2 này. Chúng tôi kỳ vọng trong bối cảnh Bình Thuận đang khống chế dịch tốt, sẽ giải quyết được việc đón khách quốc tế. Hiện nay, các khách hàng lớn trên thế giới cũng kỳ vọng việc mở cửa. Đối với thị trường Đông Bắc Á, Đông Âu, du khách có thể đi được liền; riêng thị trường Tây Âu, khả năng là cuối năm sẽ đón khách.

    Thị trường khách quốc tế sẽ phục hồi mạnh trở lại vào cuối năm nếu Việt Nam tiếp tục có chính sách thích ứng an toàn, miễn visa cho một số nước đã áp dụng trước đây, nới lỏng điều kiện nhập cảnh trong bối cảnh an toàn sẽ thu hút khách nhiều hơn. Hiện tỉnh Bình Thuận đã có khoảng 200 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch, đa số là các cơ sở lưu trú từ 3 – 5 sao. Các DN cũng đã chủ động xây dựng chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút du khách trở lại.

    Q.Nhật – H.Phúc – H.Phố ghi

    Yến Anh thực hiện

    Nguồn : Người Lao Động
    Tin mới