Chia sẻ với Zing, các chuyên gia đánh giá đây là lộ trình phù hợp và thận trọng.
Căn cứ vào số ca nhiễm sẽ khó mở cửa
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, ủng hộ lộ trình mở cửa du lịch một cách thận trọng. Ông cho biết một số quốc gia trên thế giới mở cửa song cũng trong tình trạng tương đối dè dặt.
Với việc mở cửa du lịch quốc tế, theo ông Lương, nếu không gỡ bỏ điều kiện về “hộ chiếu vaccine” thì lộ trình mở cửa có thể còn chậm hơn thời điểm mà Bộ Văn hóa đề xuất, bởi đến nay tỷ lệ các nước công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau không phải nhiều.
Việt Nam nằm trong top 6 thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19. Ông Lương cho rằng chúng ta nên tìm cách tận dụng ưu thế này. “Tôi ủng hộ câu chuyện mở cửa, song chúng ta cũng không nên quá tự tin”, ông Lương thận trọng nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, quan điểm đánh giá về dịch là mấu chốt rất quan trọng trong quyết định mở cửa du lịch. Ông nêu thực tế số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam vẫn rất cao và có tỷ lệ ngày càng tăng sau Tết Nguyên đán, nếu căn cứ vào chỉ số ca nhiễm sẽ rất khó đưa ra quyết định nới lỏng hay mở cửa.
Theo ông, để đánh giá mức độ dịch nặng hay nhẹ vào thời điểm này cần căn cứ vào số bệnh nhân nhập viện hoặc số ca tử vong. Và thực tế thì con số này đã giảm, không cao như giai đoạn trước.
Một khi đã mở cửa du lịch quốc tế, ông Lương lưu ý nên xem xét nới lỏng điều kiện vì nếu yêu cầu khắt khe quá, khách du lịch sẽ e ngại khi đến Việt Nam. Nhưng nếu “mở quá” cũng đáng lo, vì Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo sau Omicron vẫn còn có thể có biến thể khác của virus với mức độ nguy hiểm chưa thể đánh giá.
“Cần có sự cân bằng vì ai cũng muốn mở cửa, nhưng làm sao đừng để khi mở cửa phải trả cái giá quá nặng nề”, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch khuyến cáo.
Ai cũng muốn mở cửa, nhưng làm sao đừng để khi mở cửa phải trả cái giá quá nặng nề
PGS.TS Phạm Trung Lương
Để tránh tình trạng mở rồi lại đóng như một số nước, ông Lương gợi ý mô hình “bong bóng du lịch”, nghĩa là đảm bảo khách đi từ nước ngoài chỉ đến điểm du lịch của Việt Nam theo một hành lang.
“Chúng ta cần giới hạn khu vực khách nước ngoài có thể đến, hạn chế sự tiếp xúc với người dân bản địa. Nếu mở toang thì khả năng nguy hiểm còn rất cao vì hạ tầng y tế của Việt Nam không tốt, một khi dịch bùng phát lại sẽ phải trả giá”, ông Lương lo ngại.
Nhấn mạnh quan điểm “chưa mặn mà với mở cửa du lịch quốc tế”, ông Lương đề xuất ưu tiên thúc đẩy du lịch nội địa. Theo ông, khi đẩy mạnh du lịch nội địa, Việt Nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm xử lý các tình huống đặt ra trong thực tế, lúc đó mở cửa du lịch quốc tế cũng chưa muộn. Ông nói thêm tiềm năng du lịch nội địa sau Tết của Việt Nam đang rất lớn nên cần tận dụng đà này để thúc đẩy du lịch nội địa phát triển.
Vấn đề quan trọng hơn cả, theo ông Lương, là Việt Nam phải điều chỉnh và có hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế biến đổi sau Covid-19 đối với khách du lịch quốc tế. “Không phải nơi nào mở cửa trước, đón khách trước sẽ có lợi thế, mà lợi thế sẽ dành cho nơi nào có sản phẩm phù hợp và đảm bảo an toàn”, ông Lương nói.
Nên áp dụng lại chính sách miễn visa với một số nước
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh mở cửa du lịch là vấn đề sống còn trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ông đánh giá mốc thời gian mở cửa du lịch quốc tế và nội địa từ 15/3 mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề xuất là hợp lý, bởi trước khi mở cửa cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng một số vấn đề như quy định về visa, cách ly, xét nghiệm khi nhập cảnh… Quan điểm mấu chốt khi mở cửa, theo ông Bình, là khách quốc tế phải được đối xử công bằng như người Việt Nam.
“Việc mở cửa du lịch có nên đi kèm với nới lỏng các điều kiện áp dụng với du khách quốc tế?”. Trước câu hỏi này, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định: “Để đón khách du lịch vào Việt Nam, chính sách phải thông thoáng, tạo thuận lợi cho du khách”.
Về luồng quan điểm cho rằng khách du lịch đang khát khao vào Việt Nam, thậm chí “xếp hàng” chờ Việt Nam mở cửa là vào, ông Bình cho rằng đó chỉ là “tưởng tượng”.
“Trong khi cánh cửa của tất cả quốc gia mở rộng, thậm chí mở hơn Việt Nam, chào đón du khách tích cực hơn Việt Nam mà chúng ta cứ nghĩ mình hấp dẫn đến mức không cần làm gì thì đó là sai lầm rất lớn”, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch nói vừa qua, ông có điều kiện đi một số nước và chứng kiến họ đang cạnh tranh rất mạnh trong lĩnh vực du lịch.
Với ưu thế là một nước nằm trong top 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới cùng với việc có kinh nghiệm ứng phó, xử lý dịch bệnh, ông Bình cho cần có chính sách tốt, nhiệt tình, thân thiện thì khách du lịch mới chọn Việt Nam là điểm đến trong bối cảnh rất nhiều khó khăn như hiện nay.
“Vấn đề an toàn của nhân dân là điều kiện tiên quyết của Chính phủ mỗi quốc gia, nhưng cần làm sao vừa đón khách du lịch, vừa đảm bảo an toàn. Chúng ta không hy sinh sức khỏe, tính mạng của nhân dân để đổi lấy kinh tế, nhưng cũng không có nghĩa không làm nổi đến mức phải đóng cửa”, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch nêu quan điểm.
Chúng ta không hy sinh sức khỏe, tính mạng của nhân dân để đổi lấy kinh tế, nhưng cũng không có nghĩa không làm nổi đến mức phải đóng cửa
Ông Vũ Thế Bình
Ông Bình cho rằng khi mở cửa du lịch, Việt Nam có thể áp dụng các quy định thịnh hành như du khách phải tiêm đủ liều vaccine và phải test PCR trước khi xuất cảnh. Riêng quy định về visa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị nên áp dụng chính sách giống thời điểm trước năm 2020, vì nếu bây giờ hạn chế, du khách sẽ rất khó đến với Việt Nam.
“Tối thiểu cần khôi phục lại trạng thái miễn visa như trước năm 2020 để du lịch Việt Nam cạnh tranh bình thường với các nước. Như Indonesia hiện nay đã mở đến mức cho phép 157 quốc gia vào mà không cần visa”, ông Bình dẫn chứng.
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng lưu ý việc tạo điều kiện thuận lợi cho du khách vào Việt Nam bằng cách áp dụng các quy định phòng chống dịch thống nhất trên phạm vi toàn quốc, không để tình trạng mỗi địa phương ra một quy định như vừa qua.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch phục vụ khách quốc tế cũng phải thay đổi so với trước đây theo hướng đảm bảo an toàn hơn, áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Về phía các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, ông Bình góp ý cần có sự thay đổi phù hợp. Ông phân tích “bình thường mới” nghĩa là những vấn đề trước kia không bình thường nhưng giờ đây trở nên bình thường, ví dụ tiêm vaccine hay đeo khẩu trang.
“Một tour du lịch giờ đây sẽ không đơn giản như trước đây mà phải kiểm soát các điều kiện an toàn của khách du lịch, người làm du lịch và cả người dân ở điểm du lịch”, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.