Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,97%, tính chung quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi và chuyển biến tích cực. Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch COVID-19).
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ…
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, kinh tế – xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được; nhưng cũng không bi quan, lo sợ nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức hơn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”; chủ động tham mưu, đề xuất và xử lý công việc theo thẩm quyền; kiên định, thực hiện nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội; tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng.
Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở và các hàng hóa thiết yếu. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, hiệu quả các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, nhất là đối với việc điều chỉnh học phí, tính chi phí nhân công trực tiếp, chi phí quản lý vào dịch vụ khám, chữa bệnh, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Chú trọng phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là dịp cao điểm du lịch hè 2024. Khẩn trương triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, đẩy mạnh phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tạo thuận lợi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.
Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Tăng cường công tác quản lý và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; quan tâm, hỗ trợ kịp thời các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế; xuất cấp gạo hỗ trợ người dân trong thời điểm giáp hạt.