div]:mb-[15px]” style=”border: 0px solid #e5e7eb;–tw-border-spacing-x: 0;–tw-border-spacing-y: 0;–tw-translate-x: 0;–tw-translate-y: 0;–tw-rotate: 0;–tw-skew-x: 0;–tw-skew-y: 0;–tw-scale-x: 1;–tw-scale-y: 1;–tw-scroll-snap-strictness: proximity;–tw-ring-offset-width: 0px;–tw-ring-offset-color: #fff;–tw-ring-offset-shadow: 0 0 #0000;–tw-ring-shadow: 0 0 #0000;–tw-shadow: 0 0 #0000;–tw-shadow-colored: 0 0 #0000;margin-top: 15px;overflow: hidden;font-size: 2rem;line-height: 2.6rem;–tw-text-opacity: 1″>
Nhiều khách du lịch chọn hình thức tự túc dịp lễ 30/4. Ảnh: Đoàn Xá.
Anh Nguyễn Hoàng Việt, 41 tuổi ngụ tại quận Gò Vấp (TPHCM), chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh trứng gia cầm cho biết đã lên kế hoạch đưa gia đình đi nghỉ lễ 30/4 từ cả tháng nay.
“Gia đình tôi có 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 con nhỏ. Ban đầu gia đình dự tính đi du lịch tại Phú Quốc vì 2 đứa con nhỏ (gồm 1 và 4 tuổi) được công ty miễn phí tiền vé máy bay, tiền vé tour. Tuy nhiên tuần trước, nhân viên công ty du lịch gọi điện báo giá vé máy bay (tách riêng phần vé tour) mà tôi thấy cao quá, lên đến 13 triệu đồng nên quyết định bỏ tour đó. Hiện gia đình tôi quyết định sẽ đi du lịch tự túc từ TPHCM xuống Rạch Giá rồi mua vé tàu cao tốc ra Phú Quốc. Quãng đường từ TPHCM xuống Rạch Giá hơn 250km mà hiện đã có gần 200km đường cao tốc rồi nên di chuyển cũng tiện lợi. Từ Rạch Giá đi tàu cao tốc ra Phú Quốc cũng chỉ có 2 giờ đồng hồ” – anh Việt chia sẻ.
Cũng theo anh Việt, với việc đưa vào khai thác nhiều tuyến đường cao tốc ở phía Nam, việc di chuyển bằng đường bộ từ TPHCM tới các tỉnh thành lân cận có đường cao tốc rất tiện lợi. Thậm chí với những địa điểm như Nha Trang, Đà Lạt thì di chuyển từ TPHCM bằng máy bay cũng không nhanh hơn nhiều so với đường bộ do phải mất thời gian làm thủ tục, chờ đợi. Trong khi đó, ngoài ưu thế giá rẻ thì di chuyển bằng xe ô tô tự túc còn có lợi thế là không phải sử dụng dịch vụ taxi tại các địa điểm đến.
Giá vé máy bay tăng cao, nhiều gia đình ở TPHCM đã quyết định du lịch tự túc. Trong đó, ngoài các thành phố ven biển như Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang hay Vũng Tàu… thì nhiều người cũng chọn lựa các địa điểm để “tránh nóng” như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Măng Đen…
Ngoài ra, nhu cầu của khách cũng có thay đổi là tìm về các vùng ngoại ô, thậm chí cả các huyện lân cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh… để khám phá, trải nghiệm nhiều hơn về các sản phẩm du lịch địa phương. Thống kê của một số địa phương như Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hay Măng Đen (tỉnh Kon Tum) thì hiện tại các cơ sở lưu trú đã được lấp gần đầy. Cá biệt như Măng Đen thì gần 100% các cơ sở lưu trú đã có khách đặt trước.
Theo ông Ngô Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty Dalat Discovery Travel, nắng nóng kéo dài ở phía Nam thời gian qua khiến khách du lịch nghĩ nhiều hơn về thiên nhiên và vui chơi trong sự mát mẻ. Nếu như các năm trước sản phẩm của công ty chỉ bán được cho các nhóm du khách nhỏ, trẻ tuổi thì năm nay công ty bán được gói sản phẩm nhiều hơn cho gia đình, DN và khách đoàn. “Năm nay nhu cầu du lịch của du khách rất khác các năm trước. Du khách thích điểm đến gần gũi thiên nhiên nhiều hơn” – ông Tuấn nhận định.
Nguồn :
Đại Đoàn Kết