• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Gỡ nút thắt visa để hút khách quốc tế (*): Sớm lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài

    Thứ sáu, 23-12-2022 / 9:46:50 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    280 Lượt xem

    Các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể cho việc quảng bá, xúc tiến cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực

    Để góp phần phục hồi du lịch quốc tế, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho rằng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ trong việc triển khai, thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả.

    Tăng vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài

    Theo ông Võ Anh Tài, kế hoạch xúc tiến, quảng bá cần hướng đến không chỉ các thị trường nguồn khách trọng điểm mà cả một số nơi tiềm năng, mới như Ấn Độ, Trung Đông… với chương trình, giải pháp địa phương hóa theo thị trường, khu vực. Ngoài ra, ông Tài cho rằng cần triển khai thành lập văn phòng đại diện của ngành du lịch Việt Nam và tăng cường vai trò của các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện tại nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch.

    Ông Võ Anh Tài đề xuất: “Du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thông qua các cơ quan đại diện tại nước ngoài, trong nhiệm vụ đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Năm 2023, một loạt sự kiện ngoại giao quan trọng sẽ diễn ra nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia đồng thời là các thị trường trọng điểm du lịch như Nhật Bản, Anh, Úc”.

    Đề xuất giải pháp tạo đột phá, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhận định cần xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore… và có quy hoạch, phân bổ nguồn lực xứng đáng. Trước mắt, cần có kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch; thành lập tổ chuyên trách gồm thành viên các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) hàng không, du lịch, khách sạn và có khả năng tổng hợp, đề xuất các chính sách sát với thực tiễn, có khả năng tham vấn, theo sát, thúc đẩy việc triển khai thực hiện.

    “Các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến cần có quy mô đủ lớn, đủ sâu, thống nhất nguồn lực, cách làm mới, sử dụng digital marketing. Trước mắt, cần tập trung tại các thị trường chính như Mỹ, Canada, châu Âu, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore; sớm thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại các địa bàn trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ” – ông Lê Hồng Hà góp ý.

    Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, DN này vừa phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Ấn Độ, Qatar, Kuwait, UAE và châu Âu tổ chức các hoạt động xúc tiến rất thành công. Tuy nhiên, các hoạt động này không hiệu quả bằng việc tổ chức xúc tiến du lịch của các nước đang cạnh tranh điểm đến với Việt Nam.

    Do đó, ông Kỳ kiến nghị Chính phủ trước mắt cho phép đại sứ quán tại các nước là thị trường du lịch nguồn có thêm tham tán về văn hóa – thể thao và du lịch để chuyên trách việc xúc tiến, phát động thị trường du lịch trong khi chờ sửa đổi Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

    Gỡ nút thắt visa để hút khách quốc tế (*): Sớm lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài - Ảnh 1.

    Khách quốc tế mua sắm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

    Nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến chưa nhiều

    Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận việc quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả do thiếu nguồn lực. Để khắc phục tình trạng kinh phí xúc tiến, quảng bá du lịch hằng năm được xét duyệt, cấp chậm hơn kế hoạch, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được thành lập nhằm tập trung nguồn kinh phí cấp dài hạn.

    Tuy nhiên, sau 3 năm từ khi có quyết định thành lập, quỹ này chậm được cấp vốn điều lệ nên ảnh hưởng đến kế hoạch xúc tiến, quảng bá, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Tại các địa phương, đơn vị có trách nhiệm triển khai những hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch (trung tâm xúc tiến du lịch) được tổ chức theo nhiều mô hình, trực thuộc nhiều đơn vị chủ quản khác nhau, dẫn đến nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thống nhất, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp.

    “Do chưa có văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại các thị trường trọng điểm, việc thu thập, phân tích, cập nhật dữ liệu chưa thường xuyên, chủ yếu kết hợp với một số chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài và khai thác tài liệu thứ cấp. Nguồn kinh phí hạn chế, khả năng tiếp cận, khai thác kết quả nghiên cứu có giá trị ở khu vực và trên thế giới làm cơ sở cho công tác định hướng thị trường còn gặp khó khăn” – ông Nguyễn Văn Hùng nêu thực trạng.

    Quảng bá qua truyền thông quốc tế

    Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay trước khi xảy ra dịch COVID-19, Hà Nội đã phối hợp với Đài CNN (Mỹ) để quảng bá hình ảnh rất hiệu quả. Ông Thanh kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tập trung truyền bá hình ảnh của Việt Nam thông qua các hãng truyền thông lớn; các tỉnh, thành có trách nhiệm đóng góp kinh phí, như vậy vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.

    (*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-12

    Nguồn : Người Lao Động
    Tin mới