HSBC dự báo năm 2024 Việt Nam có để đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, cần phải nỗ lực hơn nữa để thu hút du khách Trung Quốc bởi thị trường này từng chiếm tới 30% tổng du khách của Việt Nam.
Trong quý IV, ngành dịch vụ đã tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là từ các lĩnh vực liên quan đến du lịch như bán lẻ, vận tải và lưu trú. Khách quốc tế có tâm lý muốn đi du lịch bù hậu đại dịch, tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam phục hồi và hiện đang dẫn đầu ASEAN với tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam đạt 80% so với năm 2019.
Theo HSBC, đây cũng là lúc để nhắm tới một mục tiêu cao hơn. Trong bối cảnh phát triển tích cực, Việt Nam hướng đến thu hút 18 triệu du khách trong năm 2024, tăng so với mức 12,6 triệu của năm 2023, tạo điều kiện để có thể hồi phục hoàn toàn như trước đại dịch.
Điều này đồng nghĩa Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thu hút du khách Trung Quốc vốn từng là nguồn lớn nhất chiếm tới 30% tổng du khách của Việt Nam.
Tuy nhiên, có hai yếu tố khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu này. Thứ nhất, du khách Trung Quốc lại chưa trở lại Đông Nam Á đông như kỳ vọng hồi đầu năm 2023. Và hai là, Việt Nam cũng đang vấp phải sự cạnh tranh căng thẳng từ nước khác trong khu vực vì họ cũng muốn giành được nhiều du khách Trung Quốc.
Thái Lan và Malaysia đều đã triển khai cơ chế miễn thị thực cho du khách Trung Quốc từ quý IV/2023 còn Singapore cho biết sẽ áp dụng cơ chế tương tự với thông tin chi tiết dự định được công bố trong năm mới.
HSBC cũng đánh giá không phải tất cả các lĩnh vực dịch vụ đều được hưởng lợi tương đương như du lịch. Trên thực tế, giữa nhóm dịch vụ liên quan tới du lịch và các dịch vụ phi du lịch liên tục tồn tại sự khác biệt.
Mặc dù có chút cải thiện, dịch vụ bất động sản vẫn còn yếu và có thể phải đối mặt với nhiều thách thức về trả nợ trái phiếu trong năm mới.
Tăng trưởng của tiêu dùng cá nhân đã giảm hơn một nửa trong năm 2023 so với xu hướng trước đại dịch là 7%, phản ánh một loạt các yếu tố như ảnh hưởng do lĩnh vực thương mại trì trệ, ngành bất động sản suy yếu và tâm lý người tiêu dùng thận trọng trước môi trường vĩ mô nói chung. Doanh số bán lẻ hàng hóa cũng thấp hơn 4% so với xu hướng trước đại dịch.
Kết quả này phần nào phản ánh sự phục hồi ngắn hạn trên thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp và lực lượng lao động vẫn đang trên đà trở lại mức trước đại dịch.
Trong khi thị trường lao động của Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi lớn về cơ cấu trong những năm gần đây, nhiệm vụ lâu dài là làm thế nào nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động mà 25% trong số đó vẫn đang làm việc trong những ngành nghề không đòi hỏi kỹ năng, trước khi vấn đề già hóa dân số trở nên hiển hiện hơn
Tốc độ gia tăng dân số trong độ tuổi lao động đã chậm lại trong vòng một thập kỷ qua và được dự báo tới năm 2038 sẽ âm trưởng theo ước tính của Liên Hợp Quốc, sớm hơn so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực.
“Hiện trạng này sẽ dấy lên nhiều câu hỏi về việc Việt Nam đã ‘già sớm’ trước khi ‘giàu hơn’. May mắn là Việt Nam đã tận dụng vị thế là một ‘thỏi nam châm’ thu hút FDI, đặc biệt từ các tập đoàn công nghệ lớn nhằm trang bị đào tạo về công nghệ cao cần thiết cho lực lượng lao động”, báo cáo từ HSBC nhận định.