Thời đại 4.0, du lịch không chỉ đơn thuần là tham quan cảnh đẹp ở mỗi điểm đến, mà còn là dịp để du khách trải nghiệm, khám phá văn hóa và ẩm thực của mỗi quốc gia, vùng, miền.
Ẩm thực Việt vươn tầm thế giới
Năm 2024 dự báo là một năm nổi bật với các xu hướng du lịch mới. Mới đây, trang Booking.com công bố báo cáo về xu hướng du lịch 2024, trong đó “trải nghiệm ẩm thực” đứng trong top xu hướng du lịch năm 2024 dựa trên kết quả khảo sát gần 28.000 du khách tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hội Đầu bếp Việt Nam chia sẻ, sau một năm Michelin Guide vinh danh các nhà hàng, quán ăn tại Việt Nam, ẩm thực Việt đã có những tác động tích cực rất rõ rệt.
Việt Nam được đánh giá là một trong điểm đến hấp dẫn về ẩm thực, nhiều món ăn Việt đã ghi danh trên bản đồ ẩm thực quốc tế, như phở, bánh mì, bún chả, hủ tiếu, bánh xèo… Tháng 1/2024, du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc bộ – làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) vinh dự được trao giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN.
Trong 5 năm liên tiếp (2019 – 2023), Việt Nam chiến thắng ở nhiều hạng mục du lịch ẩm thực do tổ chức World Travel Awards bình chọn cùng hàng loạt giải thưởng danh giá khác. Các chuyên gia nhận định, ẩm thực Việt có nền tảng thuận lợi để vươn tầm thế giới, xuất hiện trên những bàn ăn đẳng cấp.
Chưa kể, ở những vị trí sầm uất bậc nhất tại nhiều quốc gia cũng đã và đang quảng bá cho ẩm thực Việt Nam. Cuối năm 2023, tại quảng trường Thời đại (New York, Mỹ), màn hình led quảng cáo ngoài trời của tòa nhà Nasdaq đã được một ứng dụng giao đồ ăn chiếu sáng với mục đích vinh danh những đối tác nhà hàng lâu năm như cơm tấm Phúc Lộc Thọ, bánh mì Huỳnh Hoa, cơm thố Anh Nguyễn, bún bò Huế An Cựu…
Chuyên trang du lịch Travel + Leisure (Mỹ) từng nhận xét, Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn trong khu vực châu Á. “Ðất nước này được biết đến với cảnh quan tuyệt đẹp và kho tàng ẩm thực phong phú. Bất kỳ nơi nào bạn đến đều sẽ bắt gặp những món ngon địa phương ngay trên vỉa hè, khiến bạn say mê, đắm chìm trong những trải nghiệm mới thú vị”, Travel + Leisure chia sẻ.
Theo một khảo sát của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), có đến 81% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ dành khoảng 25 – 35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.
Nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến và thưởng thức là mấu chốt giúp các quốc gia, địa phương có thêm nhiều cơ hội để phát triển du lịch ẩm thực. Ở nước ta, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định, du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam.
Theo đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng; chú trọng cung cấp các trải nghiệm khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại điểm đến gắn với các món ăn, đồ uống; quan tâm chia sẻ với du khách không gian ẩm thực hay văn hóa ứng xử trên bàn ăn theo truyền thống, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới.
Cơ hội khai thác “mỏ vàng”
Khi tới bất cứ điểm đến nào, khách du lịch không chỉ muốn thưởng thức các món ăn ngon, mà còn muốn tìm hiểu về cách làm và nguồn gốc của chúng… Các tour du lịch ẩm thực địa phương ngày càng phổ biến, cho phép du khách tham gia quá trình chọn nguyên liệu, nấu nướng và thưởng thức các món ăn cùng với cộng đồng địa phương.
Có thể nói, du lịch ẩm thực thực sự là “mỏ vàng”, nhưng để khai thác hiệu quả, đòi hỏi ngành du lịch phải xây dựng được “bản đồ ẩm thực” tại các địa phương, vùng miền.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã triển khai Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024, với định hướng bảo tồn, phát huy giá trị ẩm thực, góp phần xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương và phát triển du lịch.
VCCA đã trao chứng nhận cho 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn I) hướng tới xây dựng Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam và chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam, bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam.
Bàn về giải pháp phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam nói chung, du lịch ẩm thực địa phương nói riêng, ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam cho rằng, các địa phương cần quy hoạch những khu phố ẩm thực với khung thời gian hoạt động muộn hơn, tạo điều kiện cho các nhà hàng chất lượng giới thiệu ẩm thực cao cấp tới du khách.
Với doanh nghiệp lữ hành, trong sản phẩm du lịch nên có hoạt động thưởng thức, khám phá ẩm thực địa phương, hoặc tổ chức các lớp học nấu ăn… Bên cạnh đó, số hóa các hình thức quảng bá cũng rất cần thiết.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours khẳng định, du lịch ẩm thực là ngành dịch vụ mang tính văn hóa, nghệ thuật cao. Vì vậy, cần có quy hoạch tổng thể kinh doanh ẩm thực để phát triển ổn định, khuyến khích cả nhà hàng sang trọng và ẩm thực đường phố cùng phát triển.
Để phát triển loại hình du lịch ẩm thực, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, như phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm), khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã (quận Ba Đình)…, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch xây dựng tour ẩm thực.
Bên cạnh đó, việc đưa ẩm thực đến gần du khách cũng là một cách để quảng bá văn hóa địa phương. Chị Nguyễn Thị Hồng Ðoan, bếp trưởng Mekong Silt Ecolodge cho biết: “Du khách, nhất là khách quốc tế, rất thích tìm hiểu văn hóa địa phương và các món ăn Việt. Chúng tôi có những chương trình workshop cùng khách nấu ăn, làm bánh dân gian, có khi là những bữa cơm thuần Việt với canh chua, cá kho… Ðó cũng là cách để giới thiệu và nâng tầm giá trị ẩm thực Việt”.
Năm 2024 đánh dấu sự phát triển của du lịch văn hóa ẩm thực, nơi mà du khách không chỉ tham quan, mà còn tương tác sâu hơn với văn hóa địa phương thông qua vị giác. Xu hướng này hứa hẹn mang lại những trải nghiệm độc đáo và không thể quên cho du khách trên toàn thế giới.