Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao. Do đó, tận dụng tốt “cơ hội vàng” mở cửa toàn bộ ngành kinh tế xanh từ ngày 15/3.
Du khách trở lại phố cổ Hội An. |
Thiếu định vị thương hiệu điểm đến
Bày tỏ quan điểm từ phía doanh nghiệp du lịch liên quan đến quyết định mở cửa lại du lịch từ ngày 15/3, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch, kiêm CEO Tập đoàn Lux Group cho rằng, Việt Nam mở cửa du lịch như vậy là chậm so với các nước trong khu vực, nên rất cần sự kết nối, tập trung vào các thị trường cụ thể.
“Trong ngắn hạn, muốn chiến lược mở cửa thành công, chúng ta cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững và đúng mùa du lịch của khách (mùa hè) như khách Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp hay Australia. Cùng với đó là thị trường ASEAN, có thể phục hồi nhanh và thường có nhu cầu du lịch gần. Thị trường Đông Bắc Á và Trung Quốc có lẽ sẽ phải đợi đến quý III họ mới mở cửa, có chăng, nên tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Hà phân tích.
Tổng cục Du lịch đang làm việc sơ bộ với các cơ quan thông tấn quốc tế như CNN, CNBC, hướng tới thị trường cao cấp, trung lưu. Tổng cục cũng đề xuất với bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc thí điểm thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch quốc gia.
– Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh
Chủ tịch Lux Group còn đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chia thị trường mục tiêu theo ngôn ngữ hiểu văn hoá và hành vi tiêu dùng. Hàng không, lữ hành và điểm đến cùng xúc tiến sẽ tạo hiệu ứng tốt tại thị trường mục tiêu để mùa du lịch hè này có thể bắt đầu sớm.
Ông Hà cũng chỉ ra, ngoài việc chưa có một định vị thương hiệu trong mắt du khách, sự thiếu nhất quán trong chính sách, nguồn nhân lực mỏng sau Covid-19, sản phẩm du lịch vừa thừa vừa thiếu, xúc tiến chưa hiệu quả và thiếu trọng tâm là những điểm yếu mà du lịch Việt Nam cần phải nhanh chóng khắc phục.
Trong khi đó, Tổng giám đốc F5 Travel Hoàng Thị Liên lại kiến nghị về việc quảng bá du lịch, đặc biệt là các địa danh còn quá mới với khách quốc tế. “Tổng dục Du lịch, các cơ quan truyền thông nên có biện pháp truyền thông cụ thể và “đánh thẳng” vào từng thị trường quốc tế. Đơn cử, du lịch Bình Định khi nhắm tới thị trường Đài Loan có thể mời đài truyền hình hoặc nhân vật nổi tiếng từ quốc gia này tới địa phương để quay chương trình. Điều này sẽ giúp có được sản phẩm quảng bá hiệu quả và đến thẳng du khách”, bà Liên đề xuất và bật mí, đây là cách F5 Travel đã làm với Hà Nội hay Phú Quốc, sau khi chương trình được phát trên giờ vàng tại Đài Loan đạt hiệu quả cao, ghi dấu ấn trong lòng du khách.
Chú trọng hạ tầng và nguồn nhân lực
Nhận xét về lộ trình mở cửa của du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể tự tin với quyết định mở cửa ngành du lịch vì Việt Nam có những điều kiện có thể cạnh tranh như tài nguyên dồi dào, hấp dẫn, có tiềm năng cạnh tranh mạnh mẽ. “Ngay dịp Tết, cả nước có 6,2 triệu lượt khách du lịch trong 9 ngày, cho thấy tâm thế sẵn sàng đi du lịch của người Việt Nam”, ông Bình dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra những điểm yếu của du lịch Việt Nam như thiếu tính nhạy bén, thận trọng mở cửa hơn các nước, thiếu nhất quán trong việc triển khai ứng phó với Covid-19 như mỗi tỉnh có một chính sách cách ly.
“Trong việc chào đón xuất nhập cảnh, chúng tôi kiến nghị làm như trước năm 2020, chứ không thể thụt lùi, bởi việc này cũng đã mang lại hiệu quả từ nhiều năm nay”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, sự thiếu nhất quán sẽ ảnh hưởng đến việc cạnh tranh du lịch. Khi đó, trách nhiệm sẽ dồn lên những người làm du lịch. Các doanh nghiệp cũng cần quyết liệt hơn, giúp ngành có khả năng khôi phục nhanh, khai thác lợi thế để tăng trưởng nhanh chóng.
Đồng tình, ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đề xuất cần có một quy trình mở cửa toàn diện, có sự chung tay của các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp. Theo ông, sự nhất quán về chính sách sẽ là giải pháp hữu hiệu, giúp du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng với kịch bản tích cực nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch – ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá, khi du khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao yếu tố an toàn trong điểm đến du lịch.
Ở góc độ cơ quan quản lý dịch vụ lưu trú, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn (Tổng cục Du lịch) nhận định, sau 2 năm đình trệ, ngành du lịch đang phải đối mặt với hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu hụt lao động, do vậy, vấn đề của các địa phương, doanh nghiệp là làm sao sẵn sàng có chất lượng sản phẩm tương ứng đáp ứng nhu cầu du khách. Theo ông Thanh, các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú nên chủ động rà soát cơ sở vật chất và phải chủ động xem xét, thích ứng theo tín hiệu thị trường để xây dựng lộ trình sửa chữa, nâng cấp.
Đề xuất giải pháp mở cửa du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh về chất lượng cũng như số lượng của nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, hơn 2,5 triệu lao động ngành du lịch bị phân tán nặng nề trong dịch, vì giãn cách xã hội mà phải chuyển ngành sẽ là thách thức lớn đối với ngành khi nhu cầu du khách trở lại lớn.
“Đây là phép thử cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi”, ông Khánh nói và cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ hoàn thiện thông tin cơ bản về phương án, lộ trình mở cửa du lịch đến ngày 15/3, trong đó có nhiệm vụ số hoá điểm đến, theo Nghị quyết 11 về phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.