Ông Ahmed Eiweida, Điều phối viên toàn cầu về Di sản văn hóa và Du lịch bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) – Ảnh: VGP |
Ông Ahmed Eiweida, Điều phối viên toàn cầu về Di sản văn hóa và Du lịch bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, thời điểm hiện tại, du lịch nội địa chắc chắn sẽ là chìa khóa để làm sống lại ngành du lịch Việt Nam bởi ngay trước khi có COVID-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc khống chế đại dịch nên ngành du lịch dù có bị ảnh hưởng (giảm 25% ở thời điểm cao nhất) nhưng bây giờ vẫn tiếp tục phát triển trở lại. Du lịch trong nước đóng góp cho GDP của cả nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm nên đây là lĩnh vực có thể hỗ trợ cho toàn bộ ngành du lịch nói chung.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam đánh giá đúng mực thị trường du lịch trong nước sau thời gian dài chỉ tập trung vào đối tượng là khách du lịch quốc tế.
“Thị trường trong nước và khách du lịch trong nước chính là những đối tác rất quan trọng ở khía cạnh số lượng. Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, tất nhiên không phải 100 triệu người dân này đều đi du lịch. Thế nhưng, con số đáng kể của người Việt du lịch trong nước hơn một lần một năm rất nhiều. Đây chính ra lợi thế của ngành du lịch trong thời điểm dịch COVID-19”, ông Croft cho biết.
Mô hình phục hồi du lịch Việt Nam của McKinsey |
Theo Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp thì ngành du lịch có thể phục hồi lại vào năm 2024 nhờ du lịch trong nước. McKinsey cũng đưa ra nhận định, Việt Nam có thể vực dậy nhu cầu du lịch trong nước bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành và phối hợp cùng chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không. Để khai thác triệt để hơn cơ hội du lịch trong nước, các công ty du lịch cần chú trọng đến những sản phẩm dịch vụ phù hợp khả năng chi trả của khách, đồng thời duy trì các sản phẩm và trải nghiệm chất lượng cao.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới, mức giá mới
“Mong muốn của khách du lịch trong nước là họ luôn hướng tới những điểm du lịch mang tính chất nguyên sơ. Họ mong muốn được khám phá và trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới. Từ sở thích của khách nội địa, chúng ta có thể nhận diện ra được thị hiếu của khách du lịch quốc tế sau khi thị trường du lịch đã khôi phục trở lại”, ông Michael Croft nêu giải pháp để kích cầu du lịch nội địa.
Ngoài phát triển sản phẩm mới, theo McKinsey, Việt Nam cũng cần cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu. Doanh nghiệp cũng có thể tìm cách bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn. Ví dụ, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể bán gói “staycation” cho gia đình kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe sang đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống. Các công ty du lịch và khách sạn có thể phối hợp với nhau để cung cấp trọn gói dịch vụ từ vé máy bay, vé tàu, xe limousine hoặc xe bus, đến phòng nghỉ. Ngoài ra, cũng có thể khai thác những nhu cầu du lịch đắt tiền đang bùng nổ như du thuyền hay “farm stay”.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam – Ảnh: VGP |
Phát triển du lịch bền vững, giảm tác động vào môi trường
Theo ông Michael Croft, trong bối cảnh mà đại dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành như hiện nay thì đây chính là thời cơ để phát triển du lịch bền vững.
“Tôi lấy ví dụ như điểm du lịch Boracay, Philippines. Trước thời điểm đại dịch, chính quyền Philippines đã rất khó khăn khi đối mặt với những vấn đề tồn đọng tại khu vực này, đó là ô nhiễm, rác thải nhựa do lượng khách du lịch đến khu vực này rất đông. Nhưng sau khi đại dịch diễn ra, dù phải chịu cảnh không có khách du lịch quốc tế, không có những chuyến bay thương mại quốc tế, nhưng đó cũng là lúc mà ban quản lý khu du lịch này có cơ hội để cùng xem xét và nhìn nhận lại những kế hoạch quản lý du lịch cũng như kế hoạch đầu tư, ngân sách đầu tư cho du lịch, chính sách để ưu tiên phát triển du lịch, để có thể đặt mình vào vị trí sẵn sàng hơn và cho ra những sản phẩm du lịch tốt hơn sau khi đại dịch lắng xuống. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần học hỏi”, ông Croft nhấn mạnh.
Ông Croft nhấn mạnh UNESCO coi trọng tâm ưu tiên chính của phát triển du lịch bền vững là quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam. “Khi chúng tôi đi đến các khu di sản, chúng tôi đều thấy ban quản lý cũng như chính quyền địa phương rất quan tâm đến chiến lược phát triển du lịch bền vững để làm sao có thể khôi phục lại ngành du lịch sau đại dịch COVID-19. Văn phòng UNESCO Hà Nội cũng như Văn phòng UNESCO ở Paris đang phối hợp cùng với nhau để xây dựng những mô hình thí điểm cho Hội An hay Tràng An để mở rộng quy mô quản lý khác du lịch tới 2 khu di sản nổi tiếng này, phát triển du lịch một cách bền vững ngay cả nếu có xảy ra đại dịch tương tự và khiến lượng khách du lịch sụt giảm”, ông Croft nói.
Hôi An với mô hình phát triển du lịch bền vững được trải đều tới cộng đồng địa phương – Ảnh minh họa |
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết thêm, đối với tổ chức này, phát triển du lịch bền vững là đầu tư vào phát triển cộng đồng địa phương, phát triển văn hóa địa phương. Những yếu tố này không thể bị mai một khi chúng ta xây dựng các chiến lược phát triển bền vững.
“Lấy Hội An làm ví dụ. 20 năm trước khi UNESCO chưa ghi danh di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn thì vấn đề của chính quyền địa phương, của cộng đồng địa phương, của lãnh đạo cấp tỉnh là Hội An sẽ phát triển du lịch như thế nào, họ sẽ xây dựng khu di sản như thế nào. UNSECO đã cùng chung tay vào câu chuyện đó, đưa ra những mô hình phát triển bền vững và chúng ta thấy rằng 20 năm sau, tại thời điểm này, chúng ta có thể nhìn thấy những đầu tư về phát triển du lịch bền vững ở Hội An được trải đều cho tất cả mọi góc cạnh ở thành phố Hội An, trải đều tới cộng đồng địa phương, người dân địa phương và cho cả những doanh nghiệp nhỏ ở địa phương chứ không chỉ dành riêng cho doangh nghiệp lớn. Khi đến với Hội An, du khách sẽ cảm nhận được những nét đặc thù, nguyên sơ. Đây là khu du lịch mà chúng ta không nhìn thấy những khách sạn 5 sao, những tòa nhà cao tầng chọc trời.
Ở bãi biển An Bàng chẳng hạn, chúng ta nhìn thấy những cửa hàng địa phương, những homestay địa phương, mang những nét rất đặc trưng của Hội An. Chính vì vậy, chúng tôi coi phát triển du lịch bền vững chính là đầu tư cho phát triển cộng đồng địa phương, gìn giữ cho những cái nền văn hóa địa phương để làm sao mang lại những lợi ích, những tác động cho người dân địa phương. Đó cũng chính là quan điểm của UNESCO về phát triển du lịch bền vững”, ông Michale Croft nhấn mạnh.
Tạo thương hiệu về điểm đến “An toàn-Xanh-Sạch”
Ông Ahmed Eiweida nhận định, Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc khống chế đại dịch nên trong tương lai, chúng ta có thể đặt mình ở vị thế là điểm đến an toàn, xanh và sạch.
“Khi các nước quản lý được COVID-19, người dân không còn bị phong tỏa nữa thì họ sẽ bắt đầu nghĩ đến việc được hưởng thụ các dịch vụ, các điểm du lịch an toàn, sạch đẹp. Và họ sẽ tìm đến những nơi Việt Nam để được trải nghiệm không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, những sản phẩm du lịch như rừng, núi, bờ biển một cách an toàn.
Việt Nam có lợi thế về mặt tự nhiên để phát triển du lịch. Khi mở cửa trở lại, tôi nghĩ Việt Nam có thể đầu tư nhiều hơn để cải thiện được chất lượng của du lịch. Ngoài ra, chúng ta cần đầu tư về quản lý rác thải, chất thải rắn hay cho sự an toàn nói chung của du khách, đầu tư vào kỹ năng của nhân viên làm dịch vụ du lịch”, ông Amed Eiweida cho biết.
Về cải thiện môi trường, theo ông Eiweida, WB đã hỗ trợ những thành phố như Nha Trang, TPHCM cải thiện nước thải, chất thải để chúng ta quản lý, xử lý chất thải một cách tốt hơn chứ không đổ chất thải trực tiếp ra môi trường. Những sự đầu tư như vậy cũng sẽ hỗ trợ giảm chi phí cho khu vực tự nhân, tức là khi họ đầu tư vào những cơ sở du lịch thì họ sẽ không cần bỏ chi phí để xử lý môi trường nữa.
“Chúng tôi đang đầu tư trên toàn bộ đất nước Việt Nam chứ không phải chỉ một vài địa điểm. Tất nhiên, bên cạnh đấy, chúng tôi cũng đầu tư một số lĩnh vực khác nữa như tính kết nối, đường xá đi lại, cơ sở hạ tầng, khoa học, CNTT. Tất cả những sự đầu tư này là để giúp cho Việt Nam có thể mở cửa một cách an toàn, giúp Việt Nam là một điểm đến du lịch an toàn, xanh, sạch”, ông Eiweida bày tỏ.
Vũ Phong