Doanh nghiệp du lịch, khách sạn lên kế hoạch phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia lĩnh vực du lịch, lữ hành và khách sạn thảo luận về những mục tiêu, thách thức của ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi, từ đó đưa ra các phương án phát triển thị trường khách quốc tếtrong những năm tới.
Vẫn rất khó tuyển hướng dẫn viên thạo tiếng Anh
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cho biết, đối với lĩnh vực khách sạn, đơn vị vẫn khai thác các thị trường truyền thống, riêng TP.HCM khai thác thị trường Ấn Độ.
Hiện nay, cơ sở vật chất khách sạn qua dịch COVID-19 đã xuống cấp, trong năm 2023, công ty lên kế hoạch cải tạo. Khi sản phẩm hoàn chỉnh thì mới tiếp thị tốt được, đồng thời liên kết với hãng hàng không, tổ chức sự kiện quảng bá ở Mỹ, Đức…
Hội thảo Du lịch Việt Nam 2023: Mục tiêu và phục hồi chiều ngày 21-9.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng nhận được tín hiệu lạc quan trong năm 2023 về thị trường inbound (đưa khách quốc tế đến Việt Nam). Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối Du lịch quốc tế Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho hay, tính đến tháng 9 công ty đã hoàn thành kế hoạch 2023 nhưng so với năm 2019 đạt khoảng 60%.
Theo ông Việt Hòa, công ty tập trung thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, lấy lượng khách của phân khúc cao cấp. Dù đã có chính sách xúc tiến thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) nhưng khó phục vụ khách này.
Riêng khu vực Đông Nam Á, công ty ưu tiên thị trường Philipines. Theo thống kê khách Philipines chỉ sử dụng khách sạn ở phân khúc 3 sao, tuy nhiên chi tiêu lại ở mức cao nhất trong số khách đến Việt Nam. Khách rất đơn giản nhưng mua sắm nhiều.
Nói thêm về nhân sự phục vụ khách quốc tế, ông Việt Hòa cho biết, nhân sự phục vụ giảm từ 30-40%, lực lượng này chuyển ngành nghề và không muốn quay lại vì bấp bênh.
“Hiện rất khó tuyển lực lượng hướng dẫn viên, đặc biệt hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh….” – ông Hòa nói.
Thay đổi để đón khách quốc tế năm 2024
Ông Nguyễn Nam, Tổng Giám đốc Trip.com kỳ vọng: Năm 2024, mức tăng trưởng vượt xa, rất xa con số năm 2019. Ngoài phục hồi mạnh mẽ thị trường Trung Quốc thì chúng tôi đa dạng hóa nguồn khách đặc biệt khách du lịch nội địa, tránh phụ thuộc vào khách Trung Quốc. Tất cả sản phẩm đồng nhất với nhu cầu và thị hiếu của người Việt Nam.
Ông Tiêu Thanh Hoàng, Giám đốc Marketing Fusion Hotel Group cho hay, năm 2024 và 2025 là năm hoạt động sôi động của khách sạn. Ngoài khai thác thị trường mạnh như châu Âu, Mỹ thì phát triển thêm thị trường Úc, New Zealand và Thái Lan. Công ty tái đầu tư toàn diện về sản phẩm, dịch vụ và con người.
Doanh nghiệp thay đổi về sản phẩm, dịch vụ và con người để đón khách quốc tế vào năm 2024.
Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, ông Đông Hòa chia sẻ nhiều mức “son” của năm 2024. Đầu tiên là trong bối cảnh thuận lợi là chính sách visa có hiệu lực, khi chính sách này đi vào công ty lữ hành thì cần thời gian. Công tác thực thi chính sách visa điện tử, trang web, xuất nhập cảnh cần phục vụ khách du lịch.
Một điểm son khác, Nghị quyết 82 nhấn mạnh về việc thống kế du lịch của các công ty được chuẩn hóa như tiêu chuẩn quốc tế, theo đó Quốc hội và cơ quan quản lý có thể giám sát việc thống kê này.
Ông Đăng Mạnh Phước, Giám đốc Điều hành The Outbox Company cho rằng: Để hoàn thành các mục tiêu trong năm tới, các doanh nghiệp cần nhìn các đối thủ cạnh tranh của chúng ta như thế nào, qua đó mới thấy được năng lực phục hồi của chính doanh nghiệp.
Ông Phước cho rằng: Xu hướng thị trường thay đổi liên tục, các doanh nghiệp cần thích nghi, linh hoạt, “mở” thị trường truyền thống. Chúng ta cần học tập các nước như Thái Lan, Indonesia, thay đổi kế hoạch bất kỳ lúc nào để phù hợp với xu thế. Như về chính sách visa, nếu không thay đổi chính sách miễn visa cho nhiều nước hơn nữa thì doanh nghiệp tìm cách khai thác tốt các thị trường đã miễn visa.
Bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Nghiên cứu The Outbox Company, tổng quan du lịch thế giới quý I-2023 cho thấy lượng khách du lịch quốc tế đạt 80% so với mức trước đại dịch nhờ kết quả khả quan ở châu Âu và Trung Đông. Bên cạnh đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều dấu hiệu khả quan, nhưng vẫn là khu vực có mức độ phục hồi chậm nhất.
Vào tháng 7-2023, du lịch Đông Nam Á tiếp tục phục hồi với tất cả quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Trong đó, Thái Lan vẫn là điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế nhất tại Đông Nam Á, Campuchia có chỉ số phục hồi cao nhất khu vực, riêng Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ hoàn thành mục tiêu cao nhất tính đến tháng 7-2023.