• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Nghiên cứu tổng quan và chiến lược phát triển kinh tế du lịch xanh ở Việt Nam

    Thứ ba, 27-04-2021 / 9:38:27 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    444 Lượt xem

    NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG ( Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) – TS. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (Trung tâm Truyền thông và Quan hệ công chúng, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

    TÓM TẮT:

    Du lịch là một ngành đóng góp đáng kể vào sự suy thoái môi trường và phát thải khí nhà kính. Du lịch cũng là một trong những ngành chịu nhiều hậu quả tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, du lịch xanh đã trở thành một chủ đề được nhiều khách hàng, tổ chức kinh doanh, cổ đông, ban quản lý và cộng đồng bàn luận sôi nổi. Phát triển du lịch xanh là một trong những nhiệm vụ cấp bách, là nghĩa vụ của mỗi tổ chức, mỗi công dân và các doanh nghiệp giúp bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn tổng quan về du lịch xanh ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các ý tưởng mới cho các nhà quản lý, học giả và sinh viên quan tâm đến các chủ đề về bền vững môi trường, phát triển du lịch xanh và tiếp thị xanh.

    Từ khóa: du lịch xanh, phát triển bền vững.

    1. Tổng quan về du lịch xanh

    Trong những thập kỷ qua, mối quan tâm ngày càng tăng của quốc tế về tính bền vững môi trường và biến đổi khí hậu đang khiến cho tất cả các công ty phải đối mặt với thách thức trong việc lồng ghép các vấn đề môi trường vào chiến lược kinh doanh (Toft & Rüdiger, 2020; Tura, Keränen, & Patala, 2019). Người tiêu dùng cũng quan tâm hơn đến lối sống thân thiện với môi trường vì họ không chỉ có trách nhiệm với môi trường mà còn mong đợi lợi ích cá nhân từ các sản phẩm xanh (Marchand & Walker, 2008; Nguyen, Yang, Nguyen, Johnson, & Cao, 2019; Nguyen, Yang, Nguyen, & Thanh, 2019). Do đó, nhiều công ty đang tận dụng xu hướng xanh để cung cấp nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ trách nhiệm với môi trường và xã hội (Yang, Nguyen, Nguyen, Nguyen, & Cao, 2020). Các sáng kiến xanh này hầu như có sẵn ở mọi nơi như: thực phẩm xanh, năng lượng xanh, bao bì xanh, du lịch xanh, công trình xanh, thời trang xanh, kiến trúc xanh, chính phủ xanh, v.v. (Leonidou & Skarmeas, 2015; Nguyen Thi Thu Huong, Yang Zhi, & Anh, 2019).

    Liên quan đến lĩnh vực du lịch, theo Hong et. al. (2003), du lịch xanh bắt nguồn từ châu Âu, nó thường được sử dụng thay thế cho du lịch nông thôn nói chung. Hay theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, du lịch xanh là “hoạt động giải trí kiểu lưu trú để tận hưởng thiên nhiên và văn hóa của điểm đến và tương tác với cư dân địa phương ở các vùng nông thôn và miền núi có cảnh quan thiên nhiên phong phú” (Hong, Kim, & Kim, 2003). Còn theo như Niñerola et al. (2019), du lịch xanh/du lịch sinh thái là loại hình du lịch trong đó mọi người được khuyến khích theo đuổi các hoạt động giải trí ở nông thôn theo cách có lợi cho vùng đó (Niñerola, Sánchez-Rebull, & Hernández-Lara, 2019). Cùng với quan điểm như vậy, nhưng Liu có đề cập đến phạm vi rộng hơn của du lịch xanh, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi du lịch nông thôn hay một loại hình điểm đến cụ thể nào. Điều này một lần nữa được Hiệp hội Du lịch Xanh Đài Loan nhấn mạnh rằng: du lịch xanh là “các hoạt động du lịch nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và phát thải carbon, đồng thời tận hưởng sự toàn vẹn về sinh thái – nhân văn – văn hóa”.

    Còn ở nước ta, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đưa ra khái niệm như sau: Du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Như vậy, nhìn chung, quan điểm phát triển du lịch xanh của các quốc gia trên thế giới tương đối giống nhau, nó đã và đang trở thành một nguyên tắc, một xu hướng chung để phát triển du lịch bền vững. Một điều thú vị là ở các nước đang phát triển, việc thực hiện du lịch xanh hay du lịch bền vững còn được coi là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nghèo đói, việc làm và đa dạng hóa kinh tế.

    Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” tại Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 những định hướng cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người hòa đồng thân thiện, là điểm đến của nhiều du khách. Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển, cụ thể: phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu;… Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch.

    Đặc biệt, nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm ở vùng ven biển, hải đảo và các khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm cùng với việc phát triển các khu du lịch mới như đảo Cát Bà, Tuần Châu, Hạ Long,… Bên cạnh đó, một số loài sinh vật hoang dã quý, hiếm như san hô, đồi mồi,… bị săn bắt để phục vụ nhu cầu ẩm thực, làm quà lưu niệm, buôn bán mẫu vật,… đe dọa đến đa dạng sinh học. Không những thế, chu trình sống (di trú, kiếm ăn, mùa giao phối, sinh sản) của động vật hoang dã ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia cũng bị tác động. Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Sa Pa, Bản Đôn,… dễ bị biến đổi do xu hướng hội nhập và thị trường hóa hoặc sự tiếp thu thiếu chọn lọc những nét văn hóa mới khi tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch.

    Chính vì vậy, việc phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững thực sự cần thiết và đây cũng là định hướng lâu dài trong điều kiện đầy biến động của môi trường. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho rằng, phát triển du lịch xanh đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và các sản phẩm du lịch xanh luôn được du khách quan tâm, đón nhận. Ông cũng cho biết khái niệm du lịch xanh vốn không còn xa lạ với các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam, du lịch xanh còn trong giai đoạn sơ khai muộn. Các chính sách vĩ mô, chiến lược vi mô và các quy định, luật lệ vẫn chưa hoàn thiện; việc thúc đẩy du lịch xanh chưa mạnh mẽ; xây dựng tài nguyên du lịch chưa đầy đủ, không hợp lý; hành vi không đúng mực của khách du lịch và thiếu ý thức xanh, con đường phát triển trong tương lai vẫn cần được khám phá và hoàn thiện hơn.

    Từ thực trạng trên cho thấy, việc thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, phân tích và đánh giá tổng quan về du lịch xanh và chiến lược phát triển của nó là rất cần thiết. Đặc biệt, cách tiếp cận theo hướng du lịch xanh ở Việt Nam chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả, nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý. Do vậy, trong bài nghiên cứu này, tác giả sẽ trình bày khái niệm du lịch xanh và những vấn đề tồn tại của phát triển du lịch xanh ở Việt Nam. Tiếp theo, một số các chiến lược phát triển du lịch xanh từ các khía cạnh chính sách/quy định, giáo dục và công nghệ được đề xuất. Nghiên cứu này hy vọng sẽ bù đắp một phần khoảng trống nghiên cứu về du lịch xanh và hành vi tiêu dùng xanh ở Việt Nam. Phần còn lại của bài nghiên cứu sẽ trình bày về những vấn đề còn tồn tại của phát triển du lịch xanh ở Việt Nam và đề xuất các chiến lược phát triển du lịch xanh.

    2. Những vấn đề tồn tại của phát triển du lịch xanh ở Việt Nam

    2.1. Lượng khí thải carbon quá mức

    Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nó mang tính liên ngành, liên vùng và phức tạp. Nói đến du lịch là nói đến sự di chuyển của con người ra khỏi nơi cư trú và làm việc thường xuyên, nhằm thỏa mãn nhu cầu thăm quan, giải trí, nghỉ dưỡng,… trong một thời gian nhất định. Vì vậy, ngoài việc đi lại cần thiết cho cuộc sống bình thường, ngành Du lịch tạo ra lượng lớn khí thải carbon, làm tăng gánh nặng cho môi trường không khí. Bên cạnh các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu du lịch, các máy móc và thiết bị thường được bố trí bên trong các điểm tham quan du lịch cũng làm tăng lượng khí thải carbon, tạo ra ô nhiễm môi trường sinh thái ngay trong các điểm tham quan du lịch. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) về phát thải carbon liên quan đến giao thông của ngành Du lịch, lượng carbon này chiếm 22% tổng lượng khí thải trong năm 2016 và xu hướng sẽ tiếp tục tăng đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 27 thế giới về phát khí thải.

    Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, các chuyên gia về môi trường đã xác định biến đổi khí hậu là do khí nhà kính (khí gây ra hiệu ứng nhà kính), trong đó 95% khí nhà kính là do con người tạo ra, chỉ 5% là từ thiên nhiên. Đặc biệt, du lịch quốc tế với các chuyến bay đường dài là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất và đóng góp khoảng 25% tổng lượng khí thải carbon của ngành du lịch. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, tổng lượng khách ngành hàng không dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2036 lên 7,8 tỉ lượt người/năm. Do vậy, phát thải carbon liên quan đến giao thông là một thách thức lớn và đòi hỏi ngành Du lịch phải hợp tác chặt chẽ với các ngành Vận tải trên toàn thế giới để hỗ trợ, cam kết nhằm đẩy nhanh quá trình khử carbon.

    2.2. Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.

    Thị trường tiêu dùng du lịch đang nóng lên từng ngày, sức tiêu thụ mạnh thu hút mọi miền sử dụng tài nguyên thiên nhiên địa phương để phát triển ngành du lịch với mục đích chính vẫn là kiếm tiền. Do đó, dễ xảy ra tình trạng lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, quy hoạch không phù hợp trong quá trình xây dựng các điểm tham quan du lịch. Thậm chí, nhiều nơi xảy ra tình trạng sử dụng lãng phí, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, vi phạm rất lớn đến ý nghĩa của du lịch xanh. Một phần lớn của tình trạng này là do việc tuyên truyền, cung cấp thông tin tới khách du lịch và các nhà đầu tư chưa hiệu quả cùng với thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng.

    2.3. Nhận thức về tiêu dùng xanh của khách du lịch còn kém

    Khách du lịch là lực lượng chính hỗ trợ ngành Du lịch và hành vi tiêu dùng của họ có tác động đến toàn bộ quá trình du lịch. Ý thức và hành vi của khách du lịch đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của môi trường. Hiện nay, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành chương trình hành động “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”. Cùng với đó là việc triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch xanh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch tại địa phương, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường và  hạn chế tối đa tiến tới không sử dụng túi nilon và loại đồ nhựa dùng một lần, tổ chức các đợt ra quân định kỳ dọn vệ sinh, thu gom rác thải , rác thải nhựa tại các khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, do khái niệm tiêu dùng xanh, du lịch xanh vẫn còn mơ hồ, tính thuyết phục chưa cao, nên một số khách du lịch vẫn chưa ý thức được, vì vậy họ vẫn có những hành vi manh động, liều lĩnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của du lịch xanh (Nguyen, Yang, Nguyen, Johnson, et al., 2019; Niñerola et al., 2019).

    3. Chiến lược phát triển du lịch xanh

    3.1. Ban hành luật và quy định rõ ràng

    Trong ngành Du lịch, pháp luật càng chặt chẽ, càng đầy đủ và được thi hành nghiêm chỉnh, thì đạo đức càng được đề cao và ảnh hưởng một cách toàn diện, tích cực đến mọi hành vi, mọi mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường, xã hội. Do vậy, các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về môi trường ngành Du lịch cần có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, mối quan hệ liên ngành trong công tác quản lý môi trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường còn thiếu chặt chẽ. Các chính sách, luật và quy định liên quan đến phát triển du lịch cũng cần được lượng hóa, chẳng hạn như lượng khí thải carbon hàng năm. Bên cạnh đó, cần có các chỉ số đánh giá xanh cụ thể nhằm phát triển hợp lý tài nguyên thiên nhiên, cân nhắc cả lợi nhuận và mục tiêu bảo vệ môi trường; nhu cầu và hành vi tiêu dùng xanh của khách du lịch nhằm hạn chế tiêu dùng quá mức hay các hành vi bất hợp lý khác. Đối với các công ty du lịch, cần có các chỉ số đánh giá bảo vệ môi trường cụ thể, mang tính liên ngành như dịch vụ vận tải, ăn uống, lưu trú,…

    3.2. Tăng cường giám sát

    Việc ban hành luật và các quy định cũng cần được thực hiện giám sát một cách nghiêm ngặt và toàn diện từ các điểm du lịch, khách du lịch, các công ty lữ hành cho tới các doanh nghiệp du lịch khác. Việc giám sát này cần thực hiện xuyên suốt toàn bộ hành vi du lịch: một mặt giám sát chặt chẽ quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên, thực hiện đánh giá định lượng; mặt khác cần bố trí một bộ phận chuyên giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường một cách kịp thời và toàn diện.

    3.3. Giáo dục và nâng cao nhận thức về du lịch xanh

    Việc giám sát từ các cơ quan chức năng có những hạn chế nhất định. Xét về góc độ dài hạn, chỉ khi khách du lịch nhận thấy tiêu dùng xanh đem lại những lợi ích thực sự dành cho bản thân họ, cho gia đình và cho xã hội thì du lịch xanh mới có thể phát triển được. Do vậy, cần khơi dậy sự hưởng ứng rộng rãi trong nhân dân về lợi ích của du lịch xanh. Ví dụ, có thể phát những video ngắn, thú vị và sinh động trên tàu hỏa và máy bay về hậu quả của ô nhiễm môi trường hay lợi ích của phát triển du lịch xanh.

    3.4. Tăng cường hợp tác và liên lạc giữa các địa phương

    Do các hoạt động du lịch diễn ra thường xuyên hơn qua các tỉnh và biên giới, nên các luật và quy định được xây dựng ở mỗi vùng là khác nhau. Điểm đặc biệt cần chú ý ở đây là khi du khách nước ngoài đến địa phương du lịch, họ có thể không hiểu về các quy định này, nên tất cả các địa phương cần tăng cường hợp tác và trao đổi. Đây cũng là dịp thuận lợi để các địa phương cùng học hỏi những ưu điểm của nhau, từ đó có thể điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh của mỗi địa phương, giúp cho việc phổ biến rộng rãi văn hóa xanh trên toàn quốc.

    3.5. Du lịch thông minh

    Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin, chẳng hạn như internet vạn vật và mạng cảm biến không dây, đã tăng tốc quá trình chuyển đổi sang thế giới kỹ thuật số (được gọi là thời đại kỹ thuật số), và nâng cao sự xuất hiện của mạng thông tin hướng tới du lịch bền vững. Trên thực tế, công nghệ thông tin ngày càng được tích hợp nhiều vào hoạt động kinh doanh du lịch, ví như phản hồi trải nghiệm của khách du lịch, hoạt động quản lý của các công ty du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch chính là tất cả các công nghệ cho phép các tổ chức và mọi người tương tác với nhau trong thế giới kỹ thuật số, bao gồm phần mềm, phần cứng, giao dịch, công nghệ truyền thông, dữ liệu, truy cập internet và điện toán đám mây.

    Cùng với các bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, sự tăng trưởng phát triển của các công ty du lịch cũng đạt được nhiều bước tiến đáng kể; trên thực tế, nó tiếp tục cách mạng hóa tất cả các hoạt động của du lịch thông thường thành du lịch bền vững thông minh. Ví dụ, việc thiếu thông tin thực tế, chẳng hạn như lượng khách du lịch, là một trong những lỗ hổng lớn nhất trong việc hiểu và quản lý các tác động từ du lịch. Lúc này, ngành công nghệ thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập và phân tích dữ liệu. Để thu thập dữ liệu, thiết bị mạng cảm biến không dây cho phép giám sát liên tục từ quy mô nhỏ (một khu vực nhất định) đến quy mô toàn cầu. Chúng ứng dụng một cách linh hoạt với chi phí không quá lớn, dễ dàng triển khai. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát thời gian thực, một trong những ứng dụng của mạng cảm biến không dây là cực kỳ quan trọng trong việc đo các thông số môi trường trong mỗi địa điểm du lịch.

    Các mạng này sử dụng hệ thống giám sát môi trường dựa trên một loạt các mạng cảm biến và/hoặc sự kết nối với nhau của các mạng liên quan đến các kỹ thuật có dây và không dây không đồng nhất. Ví dụ, Novas et al. (2016) đã phát triển một hệ thống giám sát thời gian thực cho phép đăng ký nhiều siêu dữ liệu như nhiệt độ, độ ẩm tương đối, tốc độ và hướng gió, nồng độ carbon, áp suất khí quyển, lượng và cường độ mưa, sự hiện diện và lượng khách. Hệ thống giám sát được lên ý tưởng để trình bày siêu dữ liệu trên qua Internet trong thời gian thực ở bất kỳ đâu. Hệ thống thời gian thực này cũng có thể theo dõi môi trường hang động theo thời gian để đánh giá mối quan hệ giữa du lịch bền vững và môi trường tự nhiên, hay mạng không dây để theo dõi liên tục các thông số môi trường quan trọng, chẳng hạn như độ ẩm, nhiệt độ, tổng bức xạ mặt trời, bức xạ hoạt động quang hợp và độ ẩm của đất ở Amazon của Peru, đây là mạng không dây vĩnh viễn lớn nhất với phạm vi phủ sóng 450 km để đánh giá hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.

    4. Kết luận

    Tóm lại, sự chuyển đổi của du lịch theo hướng bền vững và xanh đòi hỏi một cách tiếp cận liên ngành để thực hiện, chẳng hạn như các chính sách tích hợp (quốc tế, quốc gia và địa phương), đầu tư vào đổi mới công nghệ, thiết lập mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa các công ty du lịch, cùng với việc quản lý, giám sát nghiêm của các cơ quan chức năng để thúc đẩy các hoạt động du lịch xanh. Đồng thời, kết hợp với giáo dục và nâng cao nhận thức về du lịch xanh cũng sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi du lịch theo hướng bền vững. Nghiên cứu này đưa ra gợi ý về hướng nghiên cứu tương lai về du lịch xanh, đó là có thể tập trung vào đánh giá chính sách, các biện pháp đầu tư của ngành và hệ thống phản hồi nhằm kiểm soát các hành vi của doanh nghiệp, của khách du lịch về các hoạt động xanh. Cuối cùng, tác giả hy vọng, từ nghiên cứu này sẽ không chỉ kích thích các nghiên cứu trong tương lai, mà còn cung cấp một tài liệu tham khảo cho những nhà quản lý, học giả và sinh viên quan tâm đến các chủ đề về bền vững môi trường, phát triển sản phẩm mới và du lịch xanh.

    Nguồn : Tạp chí Công Thương
    Tin mới