Với ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch phải gánh chịu không chỉ nằm ở mức độ kinh tế, mà còn ở góc độ về nhân lực. Hiện tại số lượng nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt khoảng 350.000 người, đáp ứng chưa đến 70% nhu cầu của ngành.
Ảnh minh họa
Hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng”, do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội đã lên tiếng về tình trạng thiếu hụt lực lượng nhân sự trong ngành du lịch Việt Nam sau giai đoạn khủng hoảng Covid-19.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm gần như toàn bộ ngành Du lịch “đóng băng”, ngừng hoạt động. Nhân lực nghỉ việc tới 92%, nhiều đơn vị kinh doanh chỉ hầu như giữ lại lực lượng chủ chốt để duy trì sự vận hành tối thiểu.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm.
Trong khi đó, từ trước đến nay, nhân lực du lịch của nước ta vẫn luôn được cho là vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt là nhân lực gặp nhiều hạn chế về kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ. Chất lượng dịch vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu và sự chuyển biến liên tục của ngành.
Thực tế nêu trên đặt ra nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao có khả năng thích ứng dưới tác động đa chiều của các yếu tố kinh tế, an ninh phi truyền thống và đặc biệt là những xu hướng mới của thời đại công nghệ 4.0.
Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện tại số lượng nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt khoảng 350.000 người, đáp ứng chưa đến 70% nhu cầu của ngành.
Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất hoạt động trên 70%, ngành du lịch cần tới 507.000 lao động trong các cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 50.000 nhân sự quản trị.
Mỗi năm, ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Tuy nhiên, học viện du lịch chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên hàng năm, và tỷ lệ đào tạo chuyên nghiệp trong ngành du lịch chỉ chiếm 43% tổng số nhân lực.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, chất lượng và năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn Việt Nam vẫn còn thấp. Năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia.
Điều này dẫn đến nguy cơ cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi sự cạnh tranh của lao động từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia. Ngày nay, lao động từ các nước như Philippines, Thái Lan, Indonesia và Singapore đã tới Việt Nam làm việc khá nhiều, đặc biệt là trong các khách sạn 4-5 sao.
Tại tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Duy Phong – Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết số lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng tăng, tạo ra nhu cầu tăng về nhân lực trong ngành du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lực lượng lao động làm du lịch tại Ninh Bình còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Chỉ số lao động trực tiếp trên một buồng lưu trú tại tỉnh Ninh Bình còn rất thấp, đạt xấp xỉ 0,66 lao động trực tiếp trên 1 buồng lưu trú (5.600 lao động trực tiếp/8.508 buồng lưu trú). Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp.