Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Du lịch Asia Sun Travel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhận định, các doanh nghiệp lữ hành đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phá sản; doanh nghiệp nào còn sức thì “ngủ đông” chờ “băng tan”.
Bà Thảo đề xuất trong tháng 10, cần tổ chức thí điểm ngay một tua du lịch cụ thể, có sự phối hợp giữa các địa phương theo chương trình “bong bóng du lịch” để vừa làm trực tiếp, vừa rút kinh nghiệm thực tế, nhất là việc di chuyển của khách.
Tại hội thảo trực tuyến “Chiến dịch xanh – xanh” mới đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đã có kiến nghị, phương án để du lịch Hà Nội trở lại.
Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, đơn vị đã khảo sát để giới thiệu 5 sản phẩm du lịch theo tiêu chí xanh trong thời gian tới như: Tua du lịch lễ hội hóa trang (carnaval); du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE); tua mùa thu; dịch vụ nghỉ, nghỉ tại nhà dân (homestay) và dịch vụ khách sạn an toàn. Trong đó, điểm nhấn là tua lễ hội hóa trang di chuyển bằng xe cá nhân tự lái về thăm Đường Lâm – Làng cổ đất hai vua (Hà Nội), Hoa Lư – Cố đô nghìn năm (Ninh Bình)…
Công ty VietFoot Travel giới thiệu tua du lịch đạp xe, được xem là phù hợp với mọi lứa tuổi và xu hướng du lịch gắn liền bảo vệ sức khỏe. Sẽ có tua vòng quanh Hà Nội kéo dài nửa ngày, thăm quan các di tích, biểu tượng của thành phố để tìm hiểu ý nghĩa lịch sử; len lỏi qua những cung đường nhỏ của Thủ đô – nơi rất phù hợp với đạp xe. “Nếu điều kiện cho phép thì có thể tổ chức các tua liên tỉnh, từ Hà Nội đi Piềng Vế (Hòa Bình) – Pù Luông (Thanh Hóa); Hà Nội – Ninh Bình – Nam Định; Hà Nội – Hà Giang với những thách thức để du khách khám phá giới hạn bản thân. Các tua du lịch xe đạp trước đó đã được chúng tôi triển khai và nhận được sự quan tâm của du khách”, đại diện VietFoot Travel cho hay.
Thí điểm “du lịch xanh” ngay trong tháng 10
Theo ông Phùng Quang Thắng, Hà Nội được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề” với số lượng các làng nghề truyền thống chiếm 1/3 số lượng làng nghề Việt Nam. Để có thể khai thác tiềm năng của làng nghề, ẩm thực, qua đó thu hút du khách thời kỳ hậu COVID-19 đòi hỏi ngành Du lịch Thủ đô cần xây dựng những sản phẩm mang giá trị cốt lõi độc đáo của địa phương, đặc biệt, phải có tính sáng tạo cao dựa trên những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. “Ngoài ra, Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ, chương trình ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch với những khoản vay đầu tư lĩnh vực mới, tiềm năng, trên cơ sở đánh giá, thẩm định tính khả thi hiệu quả của dự án”, ông Thắng đề xuất.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng các điểm “lưu trú xanh” dành cho khách cách ly tại các khách sạn được lựa chọn làm nơi cách ly tập trung. Tới đây, trên các tiêu chí về phòng dịch, Sở Du lịch Hà Nội sẽ triển khai việc kết nối các “điểm du lịch xanh” với những “doanh nghiệp lữ hành xanh” để thực hiện “hành trình du lịch xanh” cho du khách đủ điều kiện về tiêm vắc-xin.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 105.000 lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa chỉ đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020.
UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ: Nghiên cứu, ban hành nghị quyết mới về hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong đó có các doanh nghiệp du lịch; Đồng thời chỉ đạo các bộ liên quan sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP, trong đó giảm mức ký quỹ đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong ngân hàng. “Hiện nay, mức ký quỹ ngân hàng của các doanh nghiệp lữ hành ở mức cao, dẫn đến tồn đọng vốn lớn, thanh khoản thấp, gây khó khăn cho các đơn vị lữ hành. Các đơn vị lữ hành gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp do các đơn vị thường không có tài sản đảm bảo”, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho hay.