Tình trạng du khách tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng sau khi dịch bệnh COVID-19 đã đi qua, đang đặt câu hỏi bức thiết với ngành du lịch các địa phương miền Trung – Tây Nguyên: Liệu những sản phẩm dịch vụ du lịch lâu nay có thực sự đáp ứng nhu cầu của du khách? Phải chăng, cần có một cuộc cải cách nghiêm túc hơn trong hoạt động du lịch của các tỉnh thành?
Thực tế chưa đúng tiềm năng
Lần lượt trong hai tháng qua, ngành du lịch Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng triển khai việc đánh giá, rà soát vấn đề tổ chức du lịch, tiếp đón du khách trên địa bàn. Sự việc đơn vị bảo tồn di tích cố đô Huế phải xin lỗi du khách bởi chậm trễ bán vé tham quan dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua là sự báo động về khả năng đáp ứng khách hàng. Du lịch Đà Nẵng cũng đang tổ chức một đợt lấy ý kiến từ du khách để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian tới. Liên tưởng đến du lịch Đắk Lắk, Tây Nguyên, câu chuyện du khách đã hài lòng chưa, lại phải được đề cập.
Khách du lịch trải nghiệm chèo thuyền vượt thác tại cụm thác Drai Nur – Gia Long. Ảnh: Hữu Hùng |
Một chuyên gia tư vấn du lịch chia sẻ, đến với hội thảo, hội nghị du lịch miền Trung – Tây Nguyên nào, thông điệp “những mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa du lịch” luôn được đề cập, song gần như ngay sau đó, các địa phương đều thừa nhận việc khai thác du lịch là “chưa xứng với tiềm năng”. Tình cảnh này đã diễn ra rất nhiều, mà chưa thấy địa phương nào có cách giải quyết. Làm sao để nâng tầm giá trị, hình ảnh du lịch các phương gắn với khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách, luôn là câu hỏi đầy trăn trở.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế nhìn nhận, thực trạng bất cập đó xuất phát từ chính nội lực đầu tư, cải thiện môi trường du lịch địa phương. Có thể hình dung ngành du lịch tỉnh thành nào cũng có chiến lược phát triển, những đề án rất quy củ. Song, việc thực hiện các đề án, chiến lược đó, liên quan đến những sản phẩm cụ thể, những dịch vụ cụ thể, thì có lẽ các địa phương vẫn lúng túng. Các cấp quản lý phối hợp các đơn vị trong ngành đều chỉ đưa ra những phác thảo chung chung, những định hướng khai thác, chứ không chuyên chú được sản phẩm, cơ chế đặc thù. Do đó, ngành du lịch sẽ chỉ tiếp đón, mời chào được những đoàn du khách chung chung, không có được các chủ đề tour thích hợp, thỏa mãn khách hàng; kéo theo là những tiêu chí về chất lượng phục vụ cụ thể không đạt được như mong muốn.
“Du khách cần gì, có nhu cầu gì, liệu điều này đã được các đơn vị du lịch, nhất là cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch đặt ra? Hơn nữa, sản phẩm du lịch nào đáp ứng đối tượng du khách nào, lúc nào, ra sao, cũng đã được nghiên cứu kỹ chưa? Khi mọi du khách đều bị “cào bằng” như nhau, thì làm sao có được những sản phẩm du lịch được đầu tư công phu kỹ lưỡng!”, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tâm tư. Chưa thực sự hiểu đúng du khách, là lý do chính để hoạt động du lịch các địa phương mãi mãi “chưa xứng với tiềm năng”.
Hãy nỗ lực thấu hiểu du khách!
Ông Phan Thanh Hải nhận xét, cơ bản với du khách, có thể phân lọc ra ba nhóm chính: du khách tiêu chuẩn cao, đi theo nhóm lẻ có chủ đề cần những sản phẩm, dịch vụ chất lượng; khách bình quân, cũng ưu tiên đi theo nhóm nhỏ, mục đích trải nghiệm các sản phẩm địa phương; và khách đại trà, đi du lịch để tự thư giãn tinh thần, theo các dịp có được. Chi phí bỏ ra cho các nhóm du khách này như thế nào, ai cũng có thể hiểu được. Vấn đề là, ngành du lịch các địa phương có tự phân lọc được các nhóm du khách này để có cách ứng xử phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu của họ?
Đối chiếu với du lịch Đắk Lắk, Tây Nguyên, lâu nay chỉ thuần hướng đến các nhóm du khách theo tour tuyến, đi với đoàn. Những tốp khách lẻ, gần như không nằm trong kịch bản xây dựng sản phẩm ở các điểm du lịch. Ngay với khách đoàn, việc tìm hiểu, truyền thông sản phẩm đúng các đối tượng trải nghiệm cũng chưa đầy đủ, chủ yếu “bán sản phẩm đang có”, chưa gợi được sản phẩm khách cần tìm đến để qua đó, có chính sách đầu tư, hoàn thiện hơn.
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhìn nhận, ngành quản lý lâu nay đã thấy rõ vấn đề này. Chỉ là, việc phân lọc nhóm du khách chưa tiện tổ chức, ngại tránh những va chạm văn hóa giao tiếp. Song, chắc chắn du lịch Đắk Lắk sẽ thực hiện cải cách quan trọng này, xây dựng các dòng sản phẩm sẽ định hướng các đơn vị trong ngành tiếp cận tốt hơn nhu cầu du khách, không thể chủ quan đưa ra sản phẩm mà thiếu đi sự tìm hiểu của du khách. Nhất là với những sản phẩm cụ thể, đặc thù văn hóa bản địa, như các tour du lịch vào buôn làng, văn hóa cồng chiêng, văn hóa môi trường…, việc lọc đúng nhóm du khách ở từng thời điểm là rất cần thiết. Du lịch không thể cứ chỉ gói gọn trong một vài tour, tuyến cố hữu, rồi tại từng điểm đến, cũng không thể chỉ tái diễn mãi những sản phẩm, chương trình đã có. Đổi mới các kịch bản, làm mới các sản phẩm, đánh trúng vào tâm lý, thị hiếu, nhất là sự tò mò, hứng thú của du khách, mới là cách nên làm của ngành du lịch.
Du khách đến TP. Đà Nẵng không chỉ để tắm biển, không chỉ cứ xem đi xem lại cầu Rồng. Du khách đến Hội An cũng không thể cứ mãi đi bộ lòng vòng phố cổ. Du khách đến Đắk Lắk cần có thêm những điểm hẹn mới, những trải nghiệm văn hóa truyền thống qua những kịch bản diễn xướng, trình bày mới lạ hơn, được hưởng thụ những thành phẩm tổ chức du lịch canh nông, du lịch thiên nhiên, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng… Để du khách tận hưởng được cảm giác lạ lẫm trước cơn gió cao nguyên, hay lặng lẽ nhâm nhi hương vị ly cà phê pha đúng vụ, là cả một sự thấu hiểu du khách của ngành du lịch, để du lịch vươn tầm!