Du lịch văn hóa chiếm cơ cấu lớn trong doanh thu du lịch toàn cầu, do đó, Việt Nam cần đưa du lịch văn hóa đi đúng hướng nhằm tạo “bệ phóng” giúp ngành kinh tế xanh phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam vừa mới diễn ra, hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 (13 – 16/4), do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch. Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài, cũng như phát triển du lịch nội địa…
“Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trước Covid-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% trong doanh thu du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước. Vì vậy, việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên vô cùng cấp thiết”, ông Khánh nhận định.
Khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho ngành kinh tế xanh Việt Nam; tuy nhiên, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lịch văn hóa như: sản phẩm ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền; thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu đồng bộ…
Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác xứng tầm để trở thành sản phẩm du lịch. Sự biến thể văn hóa từ một số các lễ hội truyền thống của địa phương từ việc tổ chức đến tham gia lễ hội còn nhiều tồn tại và biến tướng.
Ông Tuấn cho rằng, muốn phát triển du lịch văn hóa, trước hết cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa. Cùng với đó, cần định hình và xây dựng được thương hiệu của mỗi địa phương dựa trên các nền tảng văn hóa vốn có nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, của khách du lịch trong và ngoài nước. “Đặc biệt, du lịch và văn hóa chỉ có thể phát triển bền vững khi có được những chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình dẫn dắt phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các cấp, các bộ, ngành trung ương và địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng”, ông nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, CEO Travelogy Vũ Văn Tuyên quả quyết: “Thực tế, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… đã rất thành công trong việc khai thác các tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch. Do đó, trên đường chân trời hậu Covid-19, Việt Nam cần đưa du lịch văn hóa đi đúng hướng và coi việc khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi mới, giúp ngành kinh tế xanh tăng tốc và phát triển bền vững”. Theo đó, sản phẩm du lịch văn hóa cần đạt được các tiêu chí như: mang dấu ấn bản sắc (vùng, miền) và ở tầm cao nhất là bản sắc quốc gia, phải độc đáo, hấp dẫn, doanh nghiệp và du khách có thể tiếp cận được và giá cả phù hợp.
“Hiến kế” cho du lịch văn hóa Việt Nam phát triển, ông Tuyên cho rằng, ngành kinh tế xanh cần có quy hoạch sản phẩm du lịch văn hóa. Trong đó, phải lưu ý tránh trùng lặp về tour tuyến, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa theo chuyên đề như: du lịch tâm linh, du lịch khám phá văn hóa tộc người… Sản phẩm du lịch văn hóa phải tiếp nối nhau, nâng tầm nhau để khám phá sự đa thanh, đa sắc của văn hóa Việt Nam. Muốn vậy, phải không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng tầm di sản, từ đó định vị thương hiệu Việt Nam là điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu châu Á.