• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Tạo sức bật cho du lịch nội địa

    Thứ Ba, 05-01-2021 / 9:55:20 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    409 Lượt xem

    Ngành du lịch được dự báo chưa thể sớm phục hồi cho đến khi mở lại thị trường khách quốc tế, du lịch nội địa vẫn là “miếng bánh” duy nhất phải khai thác, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại

    Đầu năm, ngành du lịch TP HCM tổ chức đón những vị khách đầu tiên tới “xông đất”. Có mặt tại buổi sáng 1-1-2021 để đón vị khách đầu tiên đến sân bay Tân Sơn Nhất, một số lãnh đạo doanh nghiệp (DN) du lịch nhìn nhau không giấu vẻ lo lắng bởi ngay “mùa” du lịch mà sân bay vắng quá.

    Nhìn thị trường để làm sản phẩm

    Theo nhiều DN lữ hành, xu hướng đi tour của khách đang thay đổi. Lượng khách hỏi, đặt tour đến một số điểm ở Đông Bắc, Tây Bắc, Phú Quốc… tăng đột biến so với những địa phương khác trong khi một số điểm đến ở miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam lại gặp khó trong việc đón khách trở lại sau đợt dịch bùng phát lần 2.

    Tạo sức bật cho du lịch nội địa - Ảnh 1.

    Du khách tham quan một điểm đến ở tỉnh Quảng Ninh .Ảnh: LAM GIANG

    Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour, nhìn nhận thị trường du lịch nội địa vẫn là cốt lõi trong năm 2021 khi dịch bệnh vẫn còn, tour khách quốc tế chưa mở lại. Dù vậy, Lữ hành Fiditour vẫn xác định chiến lược ngắn hạn, ứng phó linh hoạt, vừa khai thác tập trung thị trường trong nước vừa tiếp tục giữ liên lạc với đối tác nước ngoài để khi mở cửa trở lại là có thể đón khách ngay. “Một số tour liên kết với khu vực Đông Bắc, Tây Bắc đang có tín hiệu tốt nên chúng tôi sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới. Tour đi Phú Quốc cũng tăng trưởng tốt so với mặt bằng chung” – ông Nguyễn Ngọc An nói.

    Bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World (Tập đoàn Sun Group), cũng dự đoán thị trường khách quốc tế chưa thể mở cửa trở lại trong năm 2021 hoặc nếu mở cũng phải đến quý IV với một số điểm đến gần như Đài Loan (Trung Quốc), Đông Nam Á… Thị trường nội địa tiếp tục giữ vai trò sống còn đối với các DN. “Tại Sun World, khoảng 55%-60% doanh thu đến từ thị trường nội địa. DN sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào khu vực này với các chính sách linh hoạt thúc đẩy theo mùa vụ, địa điểm, vùng miền. Chúng tôi sẽ tập trung chính sách kích cầu để du khách từ khu vực miền Nam ra miền Trung nhiều hơn. Phú Quốc cũng sẽ là điểm đến thuận lợi với hàng loạt sản phẩm mới đang được đầu tư, xây dựng” – bà Trần Nguyện chia sẻ.

    Chờ hiệu quả từ những liên kết, kích cầu

    Dù khó khăn nhưng nhiều DN kỳ vọng trong năm 2021 ngành du lịch sẽ vẫn có những điểm sáng. Công ty Vietravel Holdings vừa chính thức ra mắt Hãng Hàng không lữ hành Vietravel Airlines và đưa vào khai thác trong dịp Tết nguyên đán này. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Holdings, cho biết DN sẽ tận dụng tốt số chỗ của hãng hàng không để đưa vào tour trọn gói, đưa khách đến những điểm du lịch mới và làm mới bộ sản phẩm của mình. “Việc đưa vào khai thác Vietravel Airlines đòi hỏi lượng khách 2 chiều; DN đã và đang xây dựng các chương trình tour, sản phẩm cụ thể để TP HCM trở thành trung tâm đón khách, từ đó lan tỏa đưa khách ra các điểm đến khác. Cần tạo sản phẩm khác lạ, có tính kết nối phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách” – bà Huỳnh Phan Phương Hoàng phân tích và kỳ vọng mảng du lịch nội địa của Vietravel sẽ tăng trưởng khoảng 135% trong năm nay.

    Một trong những giải pháp để phát triển thị trường du lịch nội địa trong thời gian tới là triển khai hiệu quả, thành công những chương trình liên kết, thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM với các địa phương như đồng bằng sông Cửu Long, Đông Bắc, Tây Bắc, các tỉnh miền Trung… Năm 2020 TP HCM đã thực hiện các chương trình khảo sát, kết nối, xây dựng sản phẩm, ký kết hợp tác; năm 2021 sẽ phải hiện thực hóa những nội dung này, từ đó tạo ra sản phẩm mới lạ, hấp dẫn hơn nhằm thu hút du khách.

    Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST tourist, sau những thỏa thuận, liên kết, hợp tác, bước đầu ghi nhận khách phía Bắc đi vào phía Nam du lịch rất nhiều, như từ Quảng Ninh tới TP HCM, làm tăng lượng khách đến TP HCM. Cả DN lẫn các địa phương cần đánh giá, chọn lọc điểm đến, xây dựng những tuyến điểm mới lạ, an toàn. Những nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương phải cam kết có sản phẩm mới, chất lượng tốt và giá cả hợp lý. “Lúc này, cả DN lẫn ngành du lịch có thể góp sức cùng nhau thay đổi trạng thái để TP HCM không chỉ là điểm trung chuyển mà trở thành nơi dừng chân lưu trú, trải nghiệm… Muốn vậy, cần những sản phẩm tour tuyến cụ thể, độc lạ, khác biệt; sản phẩm du lịch mới kết hợp mua sắm, giao lưu văn hóa ban đêm. Quà lưu niệm cũng cần cải thiện nhiều” – ông Nguyễn Minh Mẫn phân tích.

    Từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn

    Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN kỳ vọng dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt và sớm chấm dứt khi có vắc-xin triển khai đại trà để phục hồi thị trường nội địa, mở cửa đón khách quốc tế trở lại.

    Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển, cho rằng Việt Nam đã thành công khi thiết lập trạng thái “bình thường mới”, nếu phục hồi được thị trường nội địa rồi từng bước đưa Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn sẽ là thành công lớn hơn nữa. Trong lúc chờ đợi, vẫn cần quảng bá xúc tiến để bạn bè quốc tế biết Việt Nam đang là điểm đến an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Quan trọng hơn, thị trường nội địa phải an toàn và phục hồi để bảo đảm cho sự tồn tại của DN du lịch đến khi khách quốc tế trở lại.

    Nguồn : Người Lao Động
    Tin mới