Gần đây, cụm từ ‘thẻ thông hành xanh’ (chứng nhận tiêm chủng đầy đủ vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19) được nhắc tới nhiều, như là giải pháp để áp dụng cho việc đi lại của người dân, trong đó có hoạt động du lịch. Với hoạt động du lịch nội địa, ‘thẻ thông hành xanh’ được xem là ‘chìa khóa’ để phục hồi an toàn, tiến tới xây dựng phương án hợp lý để đón khách quốc tế.
“Thẻ thông hành xanh” được xem là “chìa khóa” để từng bước xây dựng phương án an toàn khi đón khách du lịch. Trong ảnh: Kiểm tra thân nhiệt của du khách trước khi vào tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Nhật Nam
Du lịch “xanh” an toàn
Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách áp dụng “thẻ thông hành xanh” (thẻ xanh Covid) – một dạng chứng nhận điện tử về sức khỏe, chứng minh người đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã bình phục sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đủ điều kiện để di chuyển, thậm chí là nhập cảnh vào các quốc gia khác.
Tại Việt Nam, câu chuyện sử dụng “thẻ thông hành xanh” hay “hộ chiếu vắc xin” để mở cửa trở lại các hoạt động du lịch an toàn, khôi phục thị trường đã được đề cập khá nhiều. Nếu như “hộ chiếu vắc xin” được hiểu là những thủ tục cần thiết để đón khách quốc tế, thì “thẻ thông hành xanh” là điều kiện bắt buộc áp dụng cho khách nội địa. Vừa qua, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đề xuất, Chính phủ nên nghiên cứu, xem xét áp dụng “thẻ thông hành xanh Việt Nam”, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn, dần khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động du lịch.
Theo Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính, đối tượng được cấp “thẻ thông hành xanh” không chỉ gồm những người đã tiêm đủ mũi vắc xin, mà cần có cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (dù chưa hoàn thành tiêm vắc xin). “Thẻ thông hành xanh” cần được kết nối liên thông với ứng dụng quản lý sức khỏe điện tử của người dân, cho phép thực hiện trên đa nền tảng, mã QR để dễ dàng truy xuất trên điện thoại thông minh hoặc in giấy, tạo thuận lợi cho người dùng.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, với tỉ lệ người dân được tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19 ngày càng tăng, thì việc nghiên cứu áp dụng “thẻ thông hành xanh” cho thị trường trong nước là cần thiết, có thể được xem là chìa khóa để phục hồi du lịch. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, muốn du lịch an toàn, thì người cung cấp dịch vụ, người đi du lịch phải bảo đảm tiêu chí an toàn.
Là người đã được tiêm vắc xin, chị Trần Lan Hoàng Thảo (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Tôi rất mong các cơ quan chức năng có quy định về “thẻ thông hành xanh” với hướng dẫn rõ ràng để những người đã tiêm chủng đủ mũi vắc xin và bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng dịch có thể được đi du lịch”.
Việc nghiên cứu, áp dụng “thẻ thông hành xanh” góp phần phục hồi du lịch trong nước.
Cần đồng bộ tiêu chí
Với việc dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt tại nhiều tỉnh, thành phố, số lượng người tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngày càng cao, hoạt động du lịch tại nhiều nơi đang “ấm” dần lên. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch cho phép đón khách ngoại tỉnh vào tháng 11-2021, với các điều kiện nghiêm ngặt, như: Du khách đến từ vùng không có ca nhiễm mới trong vòng 14 ngày, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 23.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch và xây dựng kịch bản phục hồi du lịch nội tỉnh, tiến tới mở rộng đón khách ngoại tỉnh có “thẻ thông hành xanh”. Tương tự, tỉnh Khánh Hòa cũng xây dựng kịch bản phục hồi du lịch dựa trên kế hoạch hoàn thành tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 toàn dân, thực hiện bảo vệ “vùng xanh” du lịch nội tỉnh…
Với việc nới dần hoạt động du lịch của các địa phương, nhiều đơn vị lữ hành cũng chuẩn bị các phương án để đưa, đón khách trong “tình hình mới”.
Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Pattour Vũ Giang Biên cho rằng, để du lịch an toàn, ngoài “thẻ thông hành xanh”, các địa phương, đơn vị cần xây dựng thêm những tiêu chí “xanh” an toàn khác, như: Hành lang pháp lý màu xanh, điểm đến màu xanh, doanh nghiệp màu xanh, dịch vụ màu xanh. “Các đơn vị lữ hành, điểm đến, cung ứng dịch vụ cần có chính sách đào tạo, nâng cao đội ngũ lao động trong hoạt động du lịch, bảo đảm tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, khép kín khi phục vụ khách trước yêu cầu mới”, bà Vũ Giang Biên bày tỏ.
Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, các cơ quan chức năng cần đưa ra tiêu chí chung, thống nhất về hoạt động đưa, đón khách du lịch, tránh tình trạng mỗi địa phương, đơn vị lại có chính sách riêng về “thẻ thông hành xanh”, gây tình trạng lộn xộn, khó khăn cho du khách.
Tại Hà Nội, đến nay đã cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và thành phố cũng cho phép nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Tuy hoạt động du lịch tại Thủ đô chưa được kích hoạt trở lại, nhưng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Sở đã xây dựng kịch bản phục hồi du lịch khi được phép, ủng hộ giải pháp về “thẻ thông hành xanh”. Trước mắt, Sở ưu tiên đẩy mạnh chiến dịch “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, đồng thời sẵn sàng phương án kết nối với những địa phương lân cận, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để xúc tiến du lịch.
“Sở Du lịch Hà Nội luôn yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ các quy định đón khách trong tình hình mới”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.