Sau chặng dài bị ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 làm trì trệ và tác động khủng hoảng kinh tế tiếp tục tăng áp lực, du lịch Đắk Lắk đang bức bối nhu cầu hồi phục và phải tăng trưởng mạnh hơn. Vậy dựa vào đâu để ngành du lịch địa phương chọn được hướng đầu tư và thay đổi này?
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trăn trở: Chúng ta có những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với bề dày lịch sử đặc biệt và những bản sắc văn hóa dân tộc hòa trộn độc đáo, đủ sức tạo sức hút mạnh mẽ đối với bất kỳ ai muốn tìm kiếm xúc cảm trải nghiệm những điều mới lạ. Nhưng vì sao lâu nay thế mạnh du lịch văn hóa trải nghiệm ở Đắk Lắk vẫn bị hạn chế, có phải do chúng ta khai thác không đúng hướng hay năng lực đầu tư, diễn tả của chúng ta không có đủ với tầm vóc đó?
Hạn chế từ phát triển “giống nhau”
Suy nghĩ của ông Thái Hồng Hà, thật ra cũng là niềm tâm sự của lãnh đạo ngành du lịch của nhiều địa phương ở miền Trung và Tây Nguyên. Nhất là sau giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh, lợi thế du lịch ồ ạt phát triển “nóng” ở một số khu vực bị chững lại, người ta nhận ra có quá nhiều lỗ hổng trong cơ cấu, tổ chức hoạt động du lịch, đặc biệt là thiếu vắng các sản phẩm du lịch đặc thù. Không hẹn mà cùng, năm 2023 đánh dấu một loạt bước thoái trào du lịch trầm trọng ở những tỉnh thành từng được xem là đi đầu đột phá như Đà Nẵng, Nha Trang… Ngay khi ghi nhận những thất bại, các địa phương lập tức tìm cách thay đổi, chủ động phân tích, định vị lại năng lực có được để tìm ra giải pháp chuyển biến tình thế, chấn hưng lại du lịch tại chỗ.
Du lịch Đắk Lắk, nhìn lại bình diện toàn ngành, hoạt động du lịch ở địa phương từng không có gì tập trung làm thành điểm nhấn, thì trong cách tổ chức, kiến tạo hoạt động lâu nay cũng không tỏ được ưu thế nổi trội.
Ngoài một số mảng riêng biệt do đặc tính địa phương, như khai thác di sản văn hóa, du lịch voi, khám phá buôn làng truyền thống thì chất lượng đầu tư vào du lịch Đắk Lắk vẫn giống địa phương khác. Theo ông Thái Hồng Hà, đây chính là nhược điểm làm du lịch Đắk Lắk “khó vực dậy”.
Chỉ điểm căn nguyên này, một cán bộ Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, du lịch nhiều tỉnh thành chỉ tập trung tìm kiếm số đông, đáp ứng những cao điểm thời vụ với các sản phẩm tour/tuyến, điểm đến, tổ chức sự kiện, lễ hội “bàng bạc như nhau”. Người ta không tìm thấy sự khác biệt nào giữa những lễ hội giao lưu Việt – Nhật ở Đà Nẵng, Hội An hay TP. Hồ Chí Minh, lại càng không có được sự hiếu kỳ, hấp dẫn khi dự xem lễ khai mạc những festival văn hóa truyền thống hay festival biển, festival núi rừng… “Cách tổ chức những hoạt động du lịch theo các sự kiện, vấn đề đó lại càng nhợt nhạt vì biên kịch giống nhau, mô hình giống nhau, ở đâu cũng bày hàng bán, triển lãm những sản phẩm mua được từ Trung Quốc, Thái Lan, từ nam chí bắc không có gì khác”, một chuyên gia tư vấn du lịch nhìn nhận. Với các điểm dừng đón, những dự án đầu tư hạ tầng liên quan đến du lịch, bối cảnh giống nhau lại càng phổ biến. Khu nghỉ dưỡng nào cũng hướng đến kiến trúc sang trọng, “bật máy lạnh giữa thiên nhiên”, giá thành xây dựng các dịch vụ “chuẩn 5 sao”, thì làm sao khơi gợi được cảm hứng thú vị, bị lôi cuốn ở du khách, theo đó, làm sao người ta mặn mà quay lại?
Du khách tham quan buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Hùng |
Của mình là của riêng mình
Du lịch Đắk Lắk cần thay đổi để tìm kiếm được thêm nhiều cơ hội trong tình hình hiện nay, khi bối cảnh thoái trào du lịch đang diễn ra ở những điểm du lịch nổi bật. Bài học từ những bãi biển vắng bóng du khách từ Đà Nẵng đến Phú Quốc, các “phố Tây” từng rầm rộ giữa Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, có thể thâu gọn ở một cụm từ: “không có bản sắc”.
Vậy thì, định vị cho tốt “sức hút Tây Nguyên” trong chiến lược tái thiết, khởi động lại du lịch Đắk Lắk, kể từ năm 2024, là yêu cầu cốt lõi. Ngành du lịch và văn hóa địa phương cần nhanh chóng đánh giá lại thực lực để đề xuất ngay những phương án, chiến lược mới giúp thay đổi du lịch.
Đó là mảng đầu tư lữ hành, điểm dừng nghỉ phải khai thác, biểu hiện đúng các tiêu chí, bản sắc địa phương. Có thể, đó chỉ là một khu lưu trú ở dạng nhà sàn thô mộc, hay một nhà hàng với những cách bài trí đơn sơ như cuộc sống chính đồng bào các dân tộc. Du khách bước vào những không gian đó, để tìm hiểu, để phát hiện ra cái lạ, cái hay, nảy sinh cái cảm giác ngạc nhiên và cả dè dặt, thì họ mới chấp nhận dừng lại, quay lại nếm trải.
Đó là các sản phẩm điểm đến, điểm giới thiệu, điểm sinh hoạt hấp dẫn, độc đáo ở nét riêng biệt, yêu cầu du khách hòa nhập vào, từ chỗ tò mò đến khám phá ra. Những câu chuyện, tập tục, chi tiết văn hóa giao tiếp như một cách cúi đầu, một câu chào hỏi bằng ngôn ngữ dân tộc… đều chính là điểm lưu giữ du khách. Rồi các loại quà tặng, quà lưu niệm, món ăn đặc sản, hương vị không gian… rất gần gũi bình thường với đời sống người dân tại chỗ nhưng đầy hứng khởi với du khách phương xa, mới có thể khiến du khách ham muốn mua sắm, thưởng thức hoặc đơn giản là nắm thông tin để mang theo.
“Sức hút Tây Nguyên” chính là tổng hòa những gì lạ kỳ và hấp dẫn mà du khách sẽ có được khi đến với Đắk Lắk. Vậy nên, ngành du lịch địa phương phải khéo thay đổi, nhìn nhận lại, định vị đúng hơn các sản phẩm, dịch vụ của mình là của riêng mình, “không nhại theo ai và cũng không có ai nhại theo được”. Đầu tư triển khai như vậy, chính là hoạch định của ngành du lịch Đắk Lắk kể từ năm 2024 chuyển mình một cách khác đi và hấp dẫn hơn!