Tây Nguyên đã khai thác thành công những giá trị đặc sắc về tài nguyên văn hóa lễ hội để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang Thương hiệu Tây Nguyên, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước; nâng cao thu nhập của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Tây Nguyên – một cộng đồng văn hóa đặc sắc với 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau. Nói đến du lịch, Tây Nguyên không chỉ có những danh thắng nổi tiếng như Măng Đen, suối nước nóng Đắk Tô, thác Đắk Lung, hồ Yaly, vườn quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đắk Uy, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh hay các di tích lịch sử và cách mạng như Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk, hang đá Đắk Tur, Đồn điền Ca Đa, Đình Lạc Giao, Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Tòa Giám mục Đắk Lắk, Tháp Yang Prong… mà còn một nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc, riêng có: Lễ hội văn hóa.
Có 6 lễ hội mang tính phổ biến cho toàn khu vực, hàng năm thu hút rất lớn lượng khách du lịch trong và ngoài nước đổ về Tây Nguyên. Trước hết là Lễ hội Cồng Chiêng. Lễ hội được đánh giá là đã tái hiện khá thành công hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên vốn được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh trình bày, biểu diễn không gian văn hóa của dân tộc và của tỉnh mình. Lễ hội nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cư dân các dân tộc. Đồng thời giới thiệu với du khách những thành tựu về kinh tế, văn hóa và tiềm năng du lịch của các dân tộc Tây Nguyên. Cũng trong khuôn khổ của Lễ hội, cùng với các hoạt động văn hóa còn hội chợ triển lãm về công cụ sản xuất, đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ của các dân tộc Tây Nguyên. Giáo sư Tô Vũ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc sau khi chứng kiến màn trình diễn đã khẳng định: “Hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, nghệ sĩ hóa người biểu diễn, văn hóa cồng chiêng chỉ còn ở Đông Nam Á, và nguyên thủy nhất là ở Tây nguyên”.
Lễ hội thứ hai là đua voi. Đây là một trong những lễ hội quan trọng trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của người vùng cao Tây Nguyên Việt Nam, được tổ chức 2 năm 1 lần vào tháng 3 âm lịch, ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Chuẩn bị cho ngày hội người quản tượng đưa voi đến những cụm rừng có nhiều cây cỏ để chúng có điều kiện dưỡng sức. Vào ngày hội, các đàn voi từ các buôn làng xa gần kéo về tập kết tập trung các bãi gần đó. Dân chúng khắp nơi đổ về dự hội với những bộ áo quần thổ cẩm. Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng, đủ để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, dài từ 1 đến 9 km.
Bắt đầu một hồi tù và rúc lên, đàn voi dưới sự điều khiển của những chàng man-gát lần lượt tiến vào điểm xuất phát, dàn thành hàng ngay ngắn. Theo người điều khiển, con đầu đàn đứng lên phía trước, hai chân trước đứng thẳng, ngẩng cao, quay cái vòi mấy vòng rồi cúi đầu chào khán giả hai bên, xong lại lùi vào vị trí cũ. Trên mỗi con voi có hai người man-gát khỏe mạnh, trong bộ trang phục sặc sỡ. Một tiếng tù và rúc to báo lệnh xuất phát. Những chú voi bật lên phía trước trong tiếng hò reo, la hét của khán giả cùng tiếng cồng chiêng khua.
Thứ ba là Lễ ăn cơm mới. Giống như người Kinh ăn tết Nguyên đán, ở các dân tộc vùng Tây Nguyên sau mùa thu hoạch, cũng trùng vào dịp cuối năm âm lịch, tổ chức lễ ăn cơm mới. Hằng năm, sau khi thu hoạch, người ta tổ chức lễ ăn cơm mới, vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng chung hưởng kết quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả. Tuy cách tổ chức cùng vài nghi thức tiến hành của từng tộc người có những nét khác nhau, nhưng đều mang chung một ý nghĩa : tạ ơn thần sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất chính của năm.
Lễ tạ ơn cha mẹ
Cách tổ chức lễ hội không diễn ra đồng loạt, mà tuần tự hết nhà này sang nhà khác trong buôn làng theo một trật tự đã thỏa thuận trước. Việc tổ chức lễ ăn mừng lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình, và cũng tùy theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn lân cận cùng vui chơi, ăn uống. Nhà nào có đông khách coi như là niềm vinh dự. Vì thế, ngoài việc cúng thần, hồn lúa và tổ tiên cùng với việc cầu mong sức khỏe cho gia đình, người ta đánh cồng, chiêng, trống, vui chơi ca hát suốt nhiều ngày đêm liền. Lễ ăn cơm mới của người Êđê mang đậm nét dấu ấn của tục “ăn năm, uống tháng”, nhàn hạ trong không khí mùa xuân núi rừng. Họ vui say thỏa thích, ca hát thâu đêm, để rồi sau đó lại hăng hái chuẩn bị cho mùa trồng tỉa mới với nhiều hy vọng mới.
Thứ tư là Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Là lễ hội lớn ở Tây Nguyên được công nhận mang tầm vóc lễ hội cấp Quốc gia,. Được tổ chức hai năm một lần, nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này. Đây là Lễ hội có thời gian dài nhất, diễn ra trong 8 ngày, mỗi thu hút trên 50.000 du khách trong đó có khoảng 5.000 đến 6.000 khách quốc tế, do có nhiều sự kiện, hoạt động diễn ra. Có thể kể các hoạt động như Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam với hàng chục đơn vị tham dự và hàng chục mẫu cà phê được sản xuất tại các vùng trồng cà phê trên cả nước. Tiếp đến là Hội thảo cà phê đặc sản; Hội nghị xúc tiến đầu tư; Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê; Lễ hội đường phố…
Khách tham quan gian hàng tại Lễ hội cà phê
Thứ năm là Lễ tạ ơn cha mẹ của người J’rai và Ba Na. Đây là lễ của người con ruột đã có gia đình, có nhà riêng và làm ăn khấm khá. Sẽ tự nguyện thông báo với dòng tộc, bố mẹ về việc muốn tổ chức ngày lễ để tạ ơn cha mẹ đã sinh và nuôi dạy mình nên người. Tùy vào điều kiện kinh tế của người con quyết định vật cúng, nếu giàu có thì mổ bò còn nếu không thì một con heo lớn, một con gà và một ghè rượu ngon. Mặc dù lễ Cúng tạ ơn cha mẹ chỉ gói gọn trong từng gia đình, dòng tộc nhưng Lễ được tổ chức khá long trọng trong hai ngày. Thông thường ngày đầu tiên là dành cho phần lễ trong gia đình thân thuộc, còn ngày hôm sau mới mời bà con, anh em ở làng xa đến ăn uống chung vui. Vào ngày đã được sự đồng ý của cha mẹ. Gia đình người con sẽ mang lễ vật đến, một ghè rượu ngon đặt giữa nhà và bắt đầu mổ gà và heo (bò). Lấy tiết con vật cúng bôi lên ghè rượu, lấy một phần gan sống của các con vật đem xâu vào cây tre rồi cột trên miệng ghè để cúng ông bà tổ tiên và một phần đem ra ngoài sân cúng thần linh. Gà, thịt heo được nướng, xâu vào cây tre rồi cùng cột vào cây nơi buộc ghè rượu. Họ sẽ lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng rồi phẩy rượu lên cha mẹ và con.
Thứ sáu là Lễ cúng bến nước. Hàng năm cứ vào dịp đầu năm mới là lễ cúng bến nước được tiến hành. Người ta cúng bến nước cầu mong thần nước ban cho dòng nước trong lành, đồng thời vào dịp này, dân làng dọn bến nước rất sạch sẽ. Chủ bến nước là người đứng ra chủ trì công việc cúng bến nước. Lễ này được tiến hành trong ba ngày. Người Êđê quan niệm, bến nước cũng có thần linh cư ngụ và cai quản. Do vậy, theo truyền thống, sau khi mùa màng kết thúc, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, người Êđê thường làm lễ cúng bến nước để tạ ơn các thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, đem lại nhiều may mắn cho người dân. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đây còn là biểu hiện sự coi trọng nguồn nước – sự sống của người Êđê.
Tây Nguyên đã khai thác thành công những giá trị đặc sắc về tài nguyên văn hóa lễ hội để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang Thương hiệu Tây Nguyên, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước; nâng cao thu nhập của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.