Trong những năm gần đây, các lễ hội gắn liền với Không gian Văn hóa cồng chiêng (KGVHCC) được tổ chức thường xuyên đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.
Cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của các buôn làng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, tiếng cồng, tiếng chiêng không chỉ xuất hiện ở các buôn làng, tại các lễ hội, mà ngày càng lan xa. Những giai điệu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, những lời hát dân ca cùng nhịp xoang xoay vòng như sợi dây gắn kết giữa các nghệ nhân, người dân với du khách trong và ngoài nước.
Đội nghệ nhân buôn Wiao A (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) tham gia chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. |
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 vừa qua được xem là một “bữa tiệc” văn hóa khi công chúng được mãn nhãn với những phần biểu diễn xuất sắc của các đội thi qua các nội dung như: diễn tấu cồng chiêng truyền thống, diễn tấu nhạc cụ dân tộc, biểu diễn múa truyền thống có phụ họa nghi thức lễ hội dân gian… Những diễn viên trình diễn chính là nghệ nhân, người dân bước ra từ buôn làng; các nội dung trình diễn hầu hết cũng xuất phát trong đời sống cộng đồng và đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ nên được rất nhiều du khách yêu thích, tìm hiểu.
Đơn cử như phần trình diễn tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội; những tiết mục như Lễ cúng rước hồn lúa về kho của dân tộc M’nông Gar, Lễ cúng trưởng thành, Lễ kết nghĩa mẹ con, Lễ ăn cơm mới của dân tộc Êđê… đã được phục dựng một cách tỉ mỉ, sinh động, qua đó tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng gần gũi và thực tế. Bà H Brung Buôn Krông (buôn Tlông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) tâm sự, đây là lần đầu tiên bà tham gia trình diễn Lễ cúng rước hồn lúa về kho tại sân khấu và trước nhiều du khách như vậy. Tuy có đôi chút hồi hộp nhưng bà rất vui, vì đây vốn dĩ là truyền thống, là đời sống của người M’nông Gar, nay lại được tái hiện lại cho mọi người cùng biết đến.
Đội nghệ nhân huyện Lắk tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3. |
“Ngành văn hóa – thể thao và du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các sở, ngành phát huy và đưa văn hóa cồng chiêng trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, hướng tới mục tiêu mọi du khách đến với Đắk Lắk đều sẽ được trải nghiệm văn hóa cồng chiêng”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lại Đức Đại
|
Ngoài những liên hoan, lễ hội, ngành văn hóa, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng có nhiều hoạt động biểu diễn liên quan đến KGVHCC. Hoạt động biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, tổ chức định kỳ mỗi tháng 2 lần từ năm 2017 đến nay vẫn được duy trì.
Chương trình có những đổi mới vừa phù hợp với thị hiếu, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, du khách, vừa tạo điều kiện cho người dân, chủ thể của KGVHCC có môi trường để thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Mỗi chương trình có sự góp mặt luân phiên của các nghệ nhân, đội cồng chiêng, nhóm, câu lạc bộ văn hóa ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh.
Trong không gian diễn xướng ấy, du khách được hòa mình vào tiếng cồng, tiếng chiêng, âm nhạc truyền thống; nhịp nhàng trong điệu múa xoang, tái hiện sinh động đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa cũng như những lễ hội của buôn làng. Chương trình này đã trở thành sản phẩm du lịch được các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đưa vào hành trình trải nghiệm cho du khách và nhận được phản hồi khá tích cực.
Ở buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), KGVHCC hiển hiện qua các hoạt động hát múa dân gian vào cuối tuần, cúng bến nước, cúng sức khỏe… vào những dịp quan trọng trong năm, hay được tổ chức thường xuyên cũng tạo dấu ấn khó quên với du khách.
Sự kiện diễn ra thường xuyên không chỉ là nơi để các nghệ nhân giao lưu với du khách, có thu nhập từ việc trình diễn những di sản của dân tộc mình; mà còn là dịp để quảng bá về giá trị độc đáo của di sản KGVHCC cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Đắk Lắk…