Việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa được coi là giải pháp thiết thực nhằm phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài đóng băng, cũng là thời điểm để khách du lịch nội địa có nhiều cơ hội được khám phá các điểm du lịch nổi tiếng và điểm mà họ chưa được biết đến trong nước. Đây cũng được xem là một chủ trương kịp thời, mang lại hiệu quả cho ngành du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.
Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…, nhiều địa phương, doanh nghiệp không chỉ kích cầu bằng việc giảm giá, mà còn liên tục giới thiệu các chương trình, tour du lịch hấp dẫn, các điểm đến mới nhằm thu hút du khách.
Tỉnh Quảng Ninh mở lại hoạt động các điểm du lịch, dịch vụ, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời duy trì nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương.
Thành phố Đà Nẵng tổ chức thí điểm chương trình “Đà Nẵng về đêm – Danang By Night” vào dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 để sớm khôi phục lại các hoạt động du lịch, dịch vụ và thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là cụ thể hóa các nhiệm vụ của đề án phát triển kinh tế đêm của Đà Nẵng.
Tỉnh Khánh Hòa phối hợp với một số tỉnh miền Trung – Tây Nguyên lên kế hoạch chi tiết cho chương trình “Biển xanh kết nối đại ngàn” với nhiều điểm đến đặc sắc như: Đồng cừu Suối Tiên, hang Rái, bãi Kinh (Ninh Thuận), thác Draynur – thác nước hùng vĩ nhất mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Đắk Lắk; khu du lịch Kotam, thủy điện Yaly (Gia Lai), nhà thờ gỗ Kon Tum; cầu treo KonKlor – cầu treo đẹp nhất khu vực Tây Nguyên nối hai bờ con sông Đăk Bla huyền chảy ngược từ Quảng Ngãi về thuỷ điện Yaly…
Tuy nhiên, để kích cầu du lịch nội địa, thì giảm giá thôi chưa đủ, mà các doanh nghiệp cũng như các địa phương có điểm tham quan, bên cạnh chú trọng nâng cấp chất lượng dịch vụ, cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách trước dịch COVID-19. Đây là đòi hỏi, cũng là yêu cầu tối thượng đặt ra đối với hoạt động du lịch ở thời điểm này. Muốn làm được điều này, thì nỗ lực của riêng ngành du lịch, một doanh nghiệp lữ hành, một địa phương thôi chưa đủ.
Nó đòi hỏi sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch, các địa phương và cả khách du lịch trong phòng chống dịch bệnh. Một công ty lữ hành hay một địa phương… không thể cam kết cho một chuyến đi an toàn đối với du khách, bởi du lịch là sản phẩm liên ngành, liên vùng, có tính đặc thù, với nhiều loại hình dịch vụ, có điểm đi điểm đến, bởi vậy đòi hỏi trách nhiệm rất cao không chỉ của một đơn vị, một địa phương hay một ngành đơn lẻ.
Không khỏi lo ngại, trong điều kiện hoạt động du lịch phải đóng băng suốt thời gian dài vì dịch bệnh, khi được quan tâm trở lại, rất dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định về phòng chống dịch. Để tạo môi trường du lịch thật sự an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch bệnh, có lẽ chỉ hô hào thôi chưa đủ, mà đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, kiên quyết, sự sâu sát, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp chính quyền cũng như sự hợp tác tích cực, trách nhiệm cao của người dân ở các điểm đến.
Vấn đề trên hết đặt ra đối với các địa phương, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tham gia hoạt động du lịch ở thời điểm này là cần thể hiện trách nhiệm của mình qua những hành động, việc làm cụ thể, xuất phát từ trái tim, không vì cái lợi trước mắt, cục bộ. Chỉ với sự vào cuộc tích cực, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngành y tế, cơ sở kinh doanh du lịch… thì mới hy vọng tạo ra sản phẩm và môi trường an toàn cho du khách. Nói cách khác, địa phương nào thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì công tác phòng chống dịch bệnh, trật tự an ninh được bảo đảm…, thì chắc chắn địa phương đó sẽ để lại ấn tượng và trở thành điểm đến đối với du khách.